Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết, đánh giá các hoạt động chuyển đổi số năm 2023 và kế hoạch hoạt động năm 2024 của Bộ Y tế tổ chức ngày 10-4.
Ông Nguyễn Trường Nam, phó giám đốc Trung tâm Y tế quốc gia, cho hay nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa (VTelehealth) hiện là 1 trong 4 nền tảng số mà Bộ Y tế đang tập trung triển khai để giải bài toán khoảng cách về y tế, thúc đẩy chuyển đổi số y tế.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Hùng, Trung tâm Thông tin y tế quốc gia, cho hay nền tảng VTelehealth hiện đã xây dựng xong các chức năng cơ bản.
Với nền tảng này, người dân sẽ được hỗ trợ tư vấn sức khỏe từ xa; theo dõi hồ sơ sức khỏe và đọc thông tin y học thường thức từ cẩm nang sức khỏe. Các thông tin cẩm nang sức khỏe được sự kiểm duyệt của Bộ Y tế nhằm cung cấp thông tin chính xác cho người dân.
Đối với nhân viên y tế, nền tảng này giúp y bác sĩ theo dõi bệnh nhân, tư vấn sức khỏe từ xa và trả kết quả tư vấn.
Theo ông Hùng, đến nay đã có 4 đơn vị, địa phương triển khai chính thức nền tảng này là tỉnh Khánh Hòa, Trà Vinh, Quảng Ninh, Bệnh viện Nhi Thái Bình.
"Đến nay, nền tảng đã có hơn 1.700 bác sĩ tham gia; hơn 300.000 người dân có hồ sơ trên hệ thống, hơn 260.000 tài khoản được tạo và đã có hơn 15.000 phiên khám tư vấn được thực hiện.
Dự kiến trong năm 2024, nền tảng sẽ triển khai phối hợp với đối tác ngân hàng tích hợp giải pháp thanh toán viện phí không tiền mặt; tính năng đặt lịch khám và tích hợp đơn thuốc điện tử", ông Hùng thông tin.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của ngành y trong thời gian tới. Thời gian qua, chuyển đổi số lĩnh vực y tế đã đạt được một số kết quả như giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe của người dân và doanh nghiệp; giảm chi phí thời gian trong việc đi lại; quản lý hồ sơ, khám, xét nghiệm điều trị thông qua bệnh án điện tử,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Lan cũng nhận định chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế còn chậm, nhiều địa phương chưa tích cực triển khai.
"Người đứng đầu đơn vị cần hiểu rõ được vai trò quan trọng của chuyển đổi số, từ đó có chỉ đạo quyết liệt hơn để thực hiện các nhiệm vụ này", bà Lan nhấn mạnh.
Chuyển đổi số trong dịch vụ công còn rất chậm
Theo kết quả đánh giá đề án 06 năm 2023, Bộ Y tế có số điểm rất thấp, chỉ đạt 24,12/100 điểm, đứng thứ 17/20 bộ, ngành.
Cụ thể, điểm đánh giá trên các nhóm chỉ số: công khai minh bạch; tiến độ giải quyết; dịch vụ công trực tuyến; thanh toán trực tuyến; mức độ hài lòng và số hóa hồ sơ.
Bà Lan nhận định nguyên nhân là do những vướng mắc về cơ sở pháp lý để thúc đẩy vấn đề chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo chưa phù hợp; cơ sở hạ tầng trong ứng dụng công nghệ thông tin chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu ngành y tế quản lý; nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số cho y tế còn rời rạc, chưa liên thông; vấn đề về đảm bảo an ninh mạng và định hướng lớn về công nghệ thông tin.
Trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phát triển dữ liệu số quốc gia, tạo nền tảng cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt; tạo lập kho dữ liệu số ngành y tế đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin và dữ liệu,...