Định giá chưa cao dù chỉ số tiến sát đỉnh cũ
Tại chương trình Café Cùng Chứng ngày 15/7 do Chứng khoán SSI tổ chức, các chuyên gia đánh giá VN-Index đã tăng khoảng 14% từ đầu năm và hiện đang tiến sát vùng đỉnh lịch sử. Tuy vậy, hệ số P/E của thị trường hiện chỉ quanh mức 14 lần, thấp hơn mức khoảng 18 lần tại đỉnh cũ. Điều này cho thấy định giá chưa bị đẩy lên quá cao, dù thị trường đã phục hồi mạnh.
Ở góc nhìn khu vực, bà Kanyawaroth Dhadasih – Giám đốc Khối Sản phẩm Đầu tư Toàn cầu, Sản phẩm Cấu trúc và Đào tạo Sản phẩm của Finansia Syrus Securities, đánh giá định giá của thị trường Việt Nam vẫn thấp hơn mặt bằng chung, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP lại vượt trội. Mức P/E hiện tại được cho là tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài.
Dòng tiền ngoại quay lại nhưng chưa lan tỏa
Theo đánh giá tại chương trình, dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại đáng kể trong tháng 7, tập trung phần lớn vào nhóm tài chính. Tuy nhiên, sự lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và định giá hợp lý vẫn chưa rõ rệt. Thị trường có thể cần kiểm định lại vùng đỉnh cũ trước khi hình thành xu hướng mới.
Chuyên gia từ Finansia Syrus Securities nhìn nhận, dòng vốn ngoại quay lại Việt Nam trong bối cảnh nhiều thị trường khu vực còn khá trầm lắng là một dấu hiệu tích cực. Việt Nam được hưởng lợi từ sự khác biệt về tăng trưởng và tiềm năng thu hút vốn trung hạn.

Từ trái sang phải: Bà Kanyawaroth Dhadasih - Giám đốc Khối Sản phẩm Đầu tư Toàn cầu, Sản phẩm Cấu trúc và Đào tạo Sản phẩm - Finansia Syrus Securities (Thái Lan); bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc Sản phẩm đầu tư, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI – SSIAM; ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Research, Trưởng ban Đào tạo & Phát triển - CTCP Chứng khoán SSI. (Ảnh chụp màn hình).
Kỳ vọng nâng hạng và dòng vốn ETF
Khả năng nâng hạng thị trường tiếp tục là chủ đề nổi bật được thảo luận trong chương trình. Theo SSI Research ước tính nếu Việt Nam được FTSE nâng hạng, dòng tiền từ các quỹ ETF theo bộ chỉ số có thể đạt khoảng 1 tỷ USD trong vòng một năm. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM, VIC, MSN, VNM, HPG, VCB… được cho là sẽ được mua vào nhiều nhất.
Tổ chức đến từ Thái Lan đánh giá nâng hạng sẽ là bước tiến lớn với thị trường Việt Nam. Cùng với hệ thống KRX chuẩn bị vận hành, các yếu tố về chính sách, minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư đang được cải thiện rõ rệt. Hạ tầng giao dịch mới cũng mở đường cho sự xuất hiện của nhiều sản phẩm đầu tư mới phù hợp với khẩu vị vốn ngoại.
Theo ghi nhận tại chương trình, các ETF có xu hướng chỉ giải ngân sau khi nâng hạng chính thức để đảm bảo nguyên tắc tái cơ cấu danh mục. Trong khi đó, dòng vốn chủ động có thể đi trước, giúp thị trường đón nhận dòng tiền từ hai hướng trong cùng một chu kỳ.
Nhà đầu tư Thái Lan chuyển từ đầu tư qua quỹ sang mua cổ phiếu vốn hóa lớn
Chia sẻ từ đại diện Finansia Syrus Securities, nhà đầu tư Thái Lan đã theo dõi thị trường Việt Nam từ lâu. Giai đoạn đầu, cộng đồng nhà đầu tư tiếp cận thông qua các quỹ tương hỗ tại Thái Lan có danh mục đầu tư vào Việt Nam. Sau khoảng ba năm, nhà đầu tư chuyển sang đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu riêng lẻ, tập trung vào nhóm vốn hóa lớn, thanh khoản cao.
Khi đã quen thuộc, một số nhà đầu tư bắt đầu mở rộng danh mục sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa, dù đi kèm mức độ rủi ro cao hơn. Việc giải ngân ghi nhận có cả thành công và thất bại. Dần dần, nhiều nhà đầu tư Thái Lan cũng bắt đầu lựa chọn các sản phẩm do công ty quản lý quỹ trong nước (Việt Nam) vận hành.
Bà Kanyawaroth Dhadasih cũng cho biết nhà đầu tư Thái Lan thường đặt mục tiêu với chu kỳ dài ít nhất ba năm khi rót vốn.