Tại tọa đàm trực tuyến “Thị trường chứng khoán – Biến bất định thành cơ hội cùng chuyên gia” do VinaCapital tổ chức, bà Vũ Ngọc Linh – Giám đốc Bộ phận Phân tích và Nghiên cứu thị trường VinaCapital nhìn nhận thị trường đã có một cuộc lội ngược dòng cực kỳ ngoạn mục.
Chứng khoán Việt Nam đã từng trải qua một cú sốc lớn vào đầu tháng 4, khi VN-Index giảm gần 18% chỉ trong vòng một tuần do tác động từ thông tin Mỹ áp thuế đối ứng. Đây là một trong những mức giảm mạnh nhất thế giới tại thời điểm đó.
Đà tăng có sự phân hóa
VN-Index sau đó tăng hơn 30% trong ba tháng, đạt mức tăng khoảng 15% từ đầu năm. Thanh khoản cũng tăng rất mạnh, đạt gần 30.000–35.000 tỷ đồng/ngày, nếu tính cả giao dịch thỏa thuận.
Dữ liệu do VinaCapital công bố cho thấy mức tăng trưởng của các nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong ba tháng gần đây có sự phân hóa rất rõ rệt.
Ngành bất động sản dẫn đầu với mức tăng gần 60%, tiếp theo là ngành nguyên vật liệu và chứng khoán, đều tăng khoảng 35%. Trong khi đó, một số nhóm ngành khác ghi nhận mức tăng khiêm tốn hơn, như công nghệ chỉ tăng 6,3%, ngân hàng tăng 19,3% và y tế tăng 19,6%.

VN-Index tăng hơn 30% kể từ đáy tháng 4/2025. Nguồn: Bloomberg, các ngành trong danh mục theo dõi của VinaCapital, cập nhật đến ngày 10/7/2025.
Theo bà Linh, đợt sụt giảm giúp nhà đầu tư cũng đã bình tĩnh trở lại và đánh giá lại tiềm năng dài hạn của thị trường, từ đó quay lại mua vào. Trước đây nhiều người đứng ngoài cuộc chơi vì lo rủi ro, nhưng hiện nay tình hình đã rõ ràng hơn.
Việt Nam cũng có tín hiệu tích cực từ việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, do đó, dòng tiền đầu tư nước ngoài đã quay trở lại rất mạnh mẽ.
Hai động lực dẫn dắt thị trường chứng khoán
Theo ông Đinh Đức Minh – Giám đốc Đầu tư Cấp cao tại VinaCapital, những động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán hiện nay có thể được chia thành hai nhóm lớn: các yếu tố chính sách vĩ mô và các yếu tố thị trường nội tại.
Về chính sách vĩ mô, ông Minh nhấn mạnh rằng Việt Nam đang chứng kiến một sự chuyển đổi rất lớn về từ duy, từ mô hình quản lý – giám sát sang mô hình phục vụ – kiến tạo cho sự phát triển kinh tế.
Điều này có thể thấy rõ qua các hành động cụ thể như tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho nhiều dự án bất động sản cũng như việc triển khai nhanh chóng các dự án đầu tư mới trong nhiều lĩnh vực.
Dẫn chứng số liệu, ông Minh cho biết đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2025 đã tăng tới 42% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tín dụng cũng tăng mạnh, đạt 10% trong nửa đầu năm, và nếu so cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng tín dụng lên đến hơn 19%. Đáng chú ý, dù tín dụng tăng nhanh, mặt bằng lãi suất ngân hàng vẫn được duy trì ở mức thấp, điều này mang lại lợi ích rõ rệt cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chính sách kích cầu tiêu dùng cũng là điểm sáng. Trong đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% và kéo dài thời hạn áp dụng đến hết năm 2026 được xem là động lực đáng kể.
VinaCapital ước tính tổng số thuế VAT được giảm trong nửa cuối năm 2025 và cả năm 2026 có thể vượt 120.000 tỷ đồng – gần gấp đôi so với mức giảm trong năm 2024, thời điểm phạm vi giảm thuế vẫn còn hạn chế.
Về các yếu tố thị trường nội tại, ông Minh cho biết định giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay vẫn đang ở mức khá hấp dẫn đối với nhà đầu tư dài hạn, cả khi so với mức trung bình lịch sử của thị trường nội địa lẫn so với các thị trường mới nổi khác trong khu vực.

Định giá thị trường chứng khoán và tăng trưởng kinh tế các nước ASEAN. Nguồn: Bloomberg, VinaCapital, cập nhật đến ngày 30/6/2025.
Cùng với đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đang có triển vọng tích cực. Dự báo trong năm 2025, lợi nhuận toàn thị trường có thể tăng trưởng hai chữ số, vào khoảng 12–14%, và trong năm 2026, với đà phục hồi kinh tế cùng chính sách hỗ trợ đang phát huy hiệu quả, mức tăng trưởng này còn có thể cao hơn.
Một yếu tố rất quan trọng khác là triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc được nâng hạng sẽ là cú huých lớn cho thị trường, thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại.
Khi nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc phân bổ vốn vào Việt Nam, họ sẽ so sánh giữa các thị trường mới nổi để xem nơi nào có mặt bằng định giá hấp dẫn hơn và tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao hơn. Việt Nam hiện đang rẻ hơn tương đối so với nhiều thị trường trong khu vực ASEAN, trong khi tăng trưởng kinh tế lại cao hơn.
Nếu Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% đến 10% trong các năm tới, như kỳ vọng của Chính phủ, thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có ưu thế lớn để thu hút dòng tiền quốc tế sau khi được nâng hạng.
Thêm "động cơ" từ khối ngoại
Sau hơn hai năm bán ròng liên tục, đặc biệt là kỷ lục bán ròng 3,7 tỷ USD trong năm 2024, dòng vốn ngoại đã có sự đảo chiều rõ nét từ cuối tháng 6 đến nay. Theo số liệu từ Bloomberg và VinaCapital, khối ngoại liên tục mua ròng hàng nghìn tỷ đồng mỗi phiên, song song với đà tăng mạnh của VN-Index.

Diễn biến dòng vốn mua/bán ròng của khối ngoại và VN-Index trong giai đoạn từ 02/06 đến 10/07/2025. Nguồn: Bloomberg, VinaCapital, dữ liệu cập nhật đến ngày 10/07/2025.
Ông Đinh Đức Minh tin rằng nếu khối ngoại quay lại mua ròng thực sự, đà tăng của VN-Index sẽ còn mạnh hơn và ổn định hơn nữa.
"Chúng ta có thể hình dung thị trường giống như một chiếc xe có hai động cơ. Trước đây, khi một động cơ (vốn ngoại) bị hỏng, xe vẫn chạy nhưng chậm và thiếu ổn định, gặp đường xấu thì dễ bị kẹt.
Nhưng hiện nay, với việc khối ngoại trở lại mua ròng, thì chiếc xe mang tên VN-Index sẽ chạy bằng hai động cơ, với tốc độ nhanh hơn và ổn định hơn rất nhiều", ông Minh nói.
Bà Vũ Ngọc Linh bổ sung, nếu có sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ rất tốt cho thị trường.
Bởi hiện tại, nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, vẫn đang đóng vai trò là lực đỡ chính của thị trường chứng khoán Việt Nam, chiếm tới 95% thanh khoản giao dịch. Điều này dẫn đến đặc điểm nổi bật của thị trường là dao động mạnh và biến động lớn.
Bối cảnh đó rất khó để đầu tư một cách ổn định nếu không có tầm nhìn dài hạn và chiến lược rõ ràng. Thị trường Việt Nam đòi hỏi nhà đầu tư phải có sự kiên nhẫn và chuẩn bị kỹ lưỡng trước các biến động ngắn hạn có thể xảy ra.
Định vị các ngành hưởng lợi
Xét về các ngành có thể hưởng lợi trong thời gian tới, chuyên gia VinaCapital cho rằng có một số nhóm ngành nổi bật nhờ được hưởng lợi từ hai chính sách lớn: mặt bằng lãi suất thấp và gỡ bỏ giới hạn tăng trưởng tín dụng.
Ngành bất động sản và vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi rõ rệt với việc sửa đổi các luật quan trọng liên quan đến bất động sản, cùng với chính sách thúc đẩy đầu tư công
Ngành công nghệ sẽ là một trong những ngành có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai với sự phát triển của AI, cùng với Nghị quyết 57.
Cũng theo bà Linh, nếu nền kinh tế phục hồi và phát triển tốt, ngành hàng tiêu dùng chắc chắn cũng sẽ được hưởng lợi, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành đang âm thầm thâu tóm thị phần.
Ngành chứng khoán sẽ là một trong những nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp với câu chuyện nâng hạng thị trường.