Chị Dương Lan, là một phụ huynh ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Con gái chị cấp 1 theo học trường công lập, cấp 2 chuyển sang trường quốc tế. Một lần, trong bữa ăn, chị hỏi con sự khác biệt giữa phương pháp giáo dục của 2 môi trường này là gì.
Sau khi ngẫm nghĩ một lúc, con chị cho biết: "Ở trường công lập, giáo viên luôn dặn chúng con không được phạm lỗi. Ở trường quốc tế, giáo viên khuyến khích chúng con "đừng sợ mắc lỗi". Câu trả lời khiến chị Dương Lan cảm thấy mình đã chọn đúng truòng cho con.
Vì sao ngày càng nhiều phụ huynh chọn trường quốc tế cho con?
Góc nhìn của con chị Dương Lan đã phản ánh trực quan sự khác biệt giữa các trường trong hệ thống công lập và các trường quốc tế. Giáo dục định hướng thi cử chú ý nhiều hơn đến tính đúng đắn của câu trả lời, trong khi giáo dục quốc tế chú ý nhiều hơn đến quyền tự do ngôn luận của trẻ em.
Hiện tại, ngoài trường công lập thì phụ huynh có nhiều lựa chọn hơn cho con về môi trường học tập. Những năm gần đây, khá nhiều phụ huynh chọn trường quốc tế cho con học. Lý do là muốn phá vỡ các quy tắc và kích thích tiềm năng của con mình.
Theo nhiều phụ huynh, các trường quốc tế có thể giúp trẻ tìm thấy mục tiêu của mình sớm hơn so với các bạn cùng lứa tuổi. Đây là nơi giao thoa giữa các nền văn hóa toàn cầu và cũng là cách tốt nhất để học sinh có được nguồn lực từ mọi phía.
Một phụ huynh từng chia sẻ trên Zhihu: Trong 3 năm học cấp 2, con chị gần như không bao giờ đi ngủ trước nửa đêm. Mỗi ngày con có vô số bài tập về nhà, thậm chí không có thời gian chơi. Sau ba năm học theo định hướng thi cử ở bậc THCS, con trai chị trở thành một đứa trẻ chỉ biết thụ động nhận nhiệm vụ thầy cô giao và thiếu khả năng tư duy độc lập.
Con không biết gì về tương lai, không đặc biệt hứng thú hay tò mò về điều gì. Không muốn con trở thành một "cỗ máy trả lời câu hỏi" và muốn con có thể mở mang tầm mắt, thêm nhiều trải nghiệm sống hơn nên vợ chồng chị quyết định chuyển con sang trường quốc tế.
Tính cách con chị sau đó vui vẻ hơn đáng kể, thường xuyên tham gia các hoạt động khác nhau do nhà trường tổ chức như nghiên cứu nông nghiệp, thi tranh biện, hoạt động tình nguyện và hoạt động cộng đồng.
"Đây cũng là điều tôi cảm thấy độc đáo ở các trường quốc tế. Họ mang đến cho trẻ em một nền tảng để phát triển tự do hơn", phụ huynh này nhận định.
Trong khi đó, một phụ huynh khác bày tỏ quan điểm: "Trẻ em học ở trường song ngữ hoặc quốc tế chỉ là đi theo con đường khác với kỳ thi tuyển sinh đại học trong nước. Đó là sự khác biệt trong triết lý giáo dục. Nó giống như một hệ sinh thái rừng. Có những cây lớn và cây bụi thấp, cũng như cỏ và rêu. Mỗi hệ sinh thái có cách sống và hoạt động riêng theo con đường đã định sẵn".
Phụ huynh này cho rằng, nhiều người nghĩ học ở trường quốc tế "nhàn" hơn thực tế không phải. Trẻ em trường quốc tế không chỉ học văn hoá mà còn bận rộn với nhiều hoạt động, môn học khác như cưỡi ngựa, bơi lội mỹ thuật,... Những môn này không chỉ hữu ích cho trẻ trong việc nộp đơn vào các trường đại học mà còn giúp các em mở rộng mối quan hệ xã hội.
Thực tế, không có nền giáo dục tốt nhất, chỉ có nền giáo dục phù hợp. Trường công hay trường quốc tế, mỗi môi trường đều có những ưu khuyết điểm riêng. Không có lựa chọn nào đúng cho tất cả mọi người, vì thế phải tùy vào hoàn cảnh, khả năng kinh tế và mục tiêu của mỗi gia đình để lựa chọn.