Thị trường chứng khoán vừa trải qua thêm một ngày thứ 2 kém tích cực khi sắc đỏ bao trùm với gần 800 mã giảm, áp đảo hoàn toàn so với 176 mã tăng. Thậm chí, toàn sàn có đến gần 200 cổ phiếu nằm sàn. Riêng nhóm VN30 đã có đến 11 cổ phiếu giảm sàn và chỉ có duy nhất VIC ngược dòng nhưng tăng chưa đến 1%.
VN-Index đóng cửa giảm 45,67 điểm (-4,03%) xuống mức 1.086,44 điểm, thấp nhất trong vòng gần 20 tháng kể từ ngày 8/2021. Như vậy, trong 36 phiên giao dịch vào thứ hai kể từ đầu năm đến nay, thị trường đã giảm tới 25 phiên và chỉ có 11 phiên tăng. Mức giảm trên 4% cũng đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất Châu Á ngày 3/10. Lần gần nhất thị trường giảm mạnh hơn con số này là vào ngày 13/6/2022 khi đó VN-Index giảm hơn 57 điểm (-4,44%).
Chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất Châu Á ngày 3/10
Phiên giảm mạnh hôm nay cũng đã “thổi bay” gần 182.000 tỷ đồng (~7,75 tỷ USD) vốn hóa của HoSE, xuống còn 4,32 triệu tỷ đồng. Trước đó, chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tháng 9 đầy "giông bão" khi VN-Index giảm mạnh nhất trong 1 tháng kể từ khi xuống đáy Covid tháng 3/2020. Tính từ đầu tháng 9, vốn hóa HoSE thậm chí đã “bốc hơi” gần 770.000 tỷ đồng (~33 tỷ USD).
Đáng chú ý, thị trường giảm mạnh nhưng cầu bắt đáy gần như không xuất hiện khiến bầu không khí càng thêm ảm đạm. Giá trị khớp lệnh trên HoSE giảm 34% so với phiên cuối tuần trước, chỉ đạt 10.000 tỷ đồng. Trước đó, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE trong tháng 9 cũng ghi nhận mức thấp thứ 2 kể từ đầu năm 2021, chỉ cao hơn so với giai đoạn tháng 7.
Thêm nữa, khối ngoại tiếp tục "đổ thêm dầu" khi bán ròng mạnh hơn 530 tỷ đồng trên HoSE trong phiên hôm nay. Trước đó trong tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng trên HoSE qua đó đảo ngược xu hướng mua ròng của 8 tháng đầu năm. Fed tăng tốc hút tiền gây ra áp lực rút vốn trên toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Đồng USD không ngừng leo thang cũng gây áp lực lớn lên tỷ giá của các quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Ngay trong phiên giao dịch đầu tháng 10/20222, tỷ giá VND/USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại đã tiếp tục tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng tỷ giá VND/USD thêm 905 đồng, tương đương tăng 3,9%. Tính chung cả năm 2022, VNDirect dự báo VND có thể mất giá khoảng 3,5 – 4,0% so với đồng USD.
Trước áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành từ 23/9 trong đó bao gồm lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất huy động,... Điều này được dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khó khăn trên có thể sẽ không kéo dài. Theo Dragon Capital, Fed cũng đã phát đi tín hiệu cho thấy khả năng ngừng tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023 và đây là giai đoạn nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào chính sách tiền tệ của Việt Nam ổn định hơn. Với mặt bằng lãi suất trong nước, VNDirect cho rằng ít có khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất điều hành nữa trong năm 2022 sau đợt tăng lãi suất vừa qua của Ngân hàng Nhà nước.
Về dài hạn, triển vọng của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan nhờ tình hình vĩ mô ổn định và khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được đánh giá cao. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP quý 3/2022 của Việt Nam ước tính tăng trưởng 13,67% so với cùng kỳ, vượt mọi dự báo trước đó. GDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng 8,83% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng đầu năm tăng 1,88% so với cùng kỳ, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%).
Theo dự báo của PYN Elite Fund, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7,5% trong năm nay và lợi nhuận của các công ty niêm yết có thể tăng 25%. Quỹ ngoại này đánh giá, nền kinh tế ổn định và triển vọng thu nhập bền vững của Việt Nam sẽ thúc đẩy TTCK nhanh chóng tăng trở lại một khi bất ổn lắng xuống và “khi bão qua đi, trời sẽ lại bừng sáng”.