Ngân hàng không còn lãi lớn từ chứng khoán đầu tư
Tuy chứng kiến sự tăng trưởng từ thu nhập lãi thuần hay lãi thuần từ hoạt động dịch vụ nhưng lãi thuần từ chứng khoán đầu tư (đến từ chênh lệch giá mua bán của các chứng khoán) lại sụt giảm mạnh tại hầu hết ngân hàng, thậm chí một số ngân hàng lỗ đậm trong năm 2022 trong khi năm trước ghi nhận lãi.
Trong 27 ngân hàng được thống kê, tổng lãi thuần từ chứng khoán đầu tư của các ngân hàng này là 5.237 tỷ đồng, giảm 63,7% so với năm trước với sự sụt giảm chiếm đa số trong các ngân hàng
MB là ngân hàng có lãi thuần từ chứng khoán đầu tư cao nhất hệ thống với 1.315 tỷ đồng, giảm nhẹ 9% so với năm trước. Trong cơ cấu khoảng 159.580 tỷ đồng chứng khoán đầu tư của MB, đầu tư ngắn hạn (sẵn sàng để bán) là chủ yếu chiếm 82 % còn lại là đầu tư dài hạn.
Trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 43%, trái phiếu do các tổ chức kinh tế phát hành chiếm hơn 29%, còn lại là trái phiếu do Chính phủ phát hành hoặc bảo lãnh.
Chi tiết khoản mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán của MB
VPBank, ngân hàng từng ghi nhận mức lãi thuần từ chứng khoán đầu tư cao nhất trong năm 2021 cũng cho thấy sự sụt giảm lợi nhuận từ mảng này trong năm qua. Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư năm 2022 của ngân hàng giảm gần 70% so với năm trước, đạt 426,3 tỷ đồng.
Tại VPBank, lượng trái phiếu Chính phủ tại thời điểm ngày 31/12/2022 đạt 610,3 tỷ đồng, giảm 15,6% so với cuối năm 2021. Trái phiếu Chính phủ chiếm tỷ trong lớn nhất trong danh mục chứng khoán đầu tư của ngân hàng.
Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư ở vị trí không cao trong bảng xếp hạng và có sự phân hoá. Trong khi BIDV và Vietcombank đều ghi nhận tăng trưởng về lãi thuần trong mảng này thì VietinBank lại ghi nhận lỗ đậm.
Cụ thể, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư của BIDV tăng 24,7% so với năm trước, đạt 258,8 tỷ đồng, còn Vietcombank ghi nhận lãi 81,6 tỷ đồng trong khi năm trước lỗ 85,2 tỷ đồng. Trong khi đó, VietinBank lại lỗ 36 tỷ đồng trong năm qua trong khi năm 2021 lãi gần 224 tỷ đồng.
Ngoài VietinBank, có 6 ngân hàng khác ghi nhận lãi trong năm 2021 nhưng lại lỗ trong năm 2022 như Ngân hàng Bản Việt (lỗ 4,8 tỷ đồng), Sacombank (lỗ 20 tỷ đồng), ABBank (lỗ 22,2 tỷ đồng), BaoViet Bank (lỗ gần 125 tỷ đồng), OCB (lỗ 140,2 tỷ đồng) và VIB (lỗ gần 176 tỷ đồng).
Còn tại TPBank và Techcombank, mặc dù đều có tăng trưởng mạnh tại thu nhập lãi thuần hay mảng hoạt động dịch vụ nhưng lãi thuần từ chứng khoán đầu tư của hai ngân hàng này đều ghi nhận giảm lần lượt 69,8% và 76,4% so với năm trước.
Áp lực lãi suất năm 2023 có giảm bớt?
Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư phần lớn đến từ chênh lệch giá mua bán của loại giấy tờ có giá này. Với tỷ trọng lớn trong cơ cấu đầu tư của các ngân hàng, diễn biến giá trái phiếu diễn biến ngược chiều với lãi suất trên thị trường, khi lãi suất tăng lên giá trái phiếu giảm và ngược lại.
Nhiều chuyên gia phân tích đã nhận định áp lực lên lãi suất vẫn chưa dừng lại, xu hướng lãi suất giảm trong năm 2023 vẫn chưa thực sự rõ nét, khi các yếu tố rủi ro ảnh hưởng tới thanh khoản trong trung và dài hạn vẫn chưa thực sự được giải quyết.
Tuy vậy, giới phân tích cho rằng lãi suất sẽ hạ nhiệt kể từ giữa năm và ổn định vào cuối năm. Chứng khoán VietinBank (CTS) dự báo lãi suất huy động có xu hướng giảm dần về cuối năm 2023, đặc biệt chiều hướng này sẽ gia tăng khi Fed dự kiến sẽ giảm lãi suất điều hành vào quý IV như các chuyên gia đã dự phóng.
Cùng quan điểm, ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup, nhận định lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý II/2023 trong bối cảnh lạm phát năm 2023 sẽ chỉ ở mức 3-3,5% thấp hơn mức mục tiêu 4 -4,5% mà Chính phủ đặt ra. "Khó khăn cũng sẽ qua, thanh khoản sẽ tốt hơn ở những tháng cuối năm, là 'ánh sáng cuối đường hầm' của một năm 2023 nhiều khó khăn", CEO WiGroup cho hay.
Trong phát biểu mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định năm 2023 còn rất nhiều khó khăn đối với việc điều hành lãi suất. Trên thế giới, chính sách tiền tệ thắt chặt và vấn đề nâng lãi suất của các nước dù chậm lại song vẫn tiếp tục tác động vào điều hành chính sách của Việt Nam. Động thái giữ mặt bằng lãi suất cao của Fed trong tương lai sẽ ảnh hưởng tới lạm phát và lãi suất của Việt Nam.
“Điều hành lãi suất, tín dụng, tỷ giá trong năm 2023 rất khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất cần nỗ lực rất lớn, NHNN sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất, yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất”, Phó Thống đốc cho hay.
Do đó, vào tháng 12/2022 vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các ngân hàng đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn không quá 9,5%/năm đã bao gồm các khoản khuyến mại và giảm từ 0,5%-2% lãi suất cho vay. Tại Hội nghị trực tuyến về tín dụng bất động sản, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết các NHTM cũng đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng để hỗ trợ thị trường
Thực tế, hiện đã có nhiều ngân hàng đã thông báo giảm lãi suất huy động như VPBank, Techcombank, MSB, Sacombank,… và mới đây là hai ngân hàng Big4 Vietcombank và Agribank.
Mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng đó có điều chỉnh giảm tại một số ngân hàng trong thời gian qua, mặc dù mức độ giảm không đáng kể (0,5 điểm %). Hiện tại, lãi suất huy động trong khoảng 8% đến 9,5% đối với tiền gửi thông thường.