Dinh dưỡng

Ba lưu ý trong ăn uống mùa nắng nóng

Theo bác sĩ Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, hiện TP HCM bắt đầu bước vào mùa nắng nóng. Nhiệt độ môi trường tăng cao dẫn đến thực phẩm dễ biến chất, ôi thiu và nhiễm khuẩn. Vì vậy, việc ăn uống hợp lý trong thời điểm này là vô cùng cần thiết.

Một số lưu ý được bác sĩ Mẫn khuyến nghị, như sau:

Ưu tiên thực phẩm tươi, sạch

Đối với rau củ quả, người dân nên bảo quản ở nơi thoáng mát hoặc ngăn chứa rau củ của tủ lạnh để giữ thực phẩm tươi ngon. Trước khi sử dụng phải rửa sạch sản phẩm dưới vòi nước chảy để loại bỏ các chất bẩn. Thịt, cá, hải sản..., phải sử dụng khi còn mới hoặc trữ ở ngăn đông.

Bổ sung đủ lượng nước trong ngày

Theo các chuyên gia, nên uống nước đều trong ngày, mỗi lần uống một lượng vừa phải (khoảng 150-250 ml), uống từng chút một, không uống quá nhiều nước trong một thời điểm. Không nên đợi khát mới uống.

Thông thường, mỗi người lớn nên duy trì uống 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Trong thời tiết nắng nóng thì việc bổ sung nước lại càng quan trọng.

Đối với những người phải thường xuyên làm việc, hoạt động ngoài trời, việc bổ sung nước cần đặc biệt chú trọng vì mất nước (do thoát mồ hôi nhiều) khiến cơ thể mệt mỏi, choáng, khó thở.

Cuộc sống người dân Sài Gòn trong thời tiết nắng nóng, tháng 3/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Cuộc sống người dân Sài Gòn trong thời tiết nắng nóng, tháng 3/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Bổ sung vitamin và khoáng chất

Bổ sung đầy đủ chất xơ, vitamin C, A, canxi, vitamin nhóm B, sắt trong các loại rau củ quả như cam, chanh, rau dền, cà rốt, khoai tây, táo. Còn các loại quả ngọt, có tính nóng như xoài, mít, sầu riêng, vải, nhãn cần được hạn chế.

Rau củ quả và các thức ăn dễ tiêu hóa sẽ là lựa chọn tối ưu cho mùa nắng nóng. Tuy nhiên, mọi người vẫn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp và đầy đủ để duy trì hoạt động cơ thể. Do đó, cần bổ sung tinh bột đa dạng như gạo, bún, bánh mì. Đối với người ăn kiêng, có thể sử dụng một bát cơm mỗi ngày hoặc thay thế bằng bún.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm