Không bắt buộc bị cáo nộp thêm tiền
Sau ba ngày xét hỏi, chiều 21/3, nêu quan điểm luận tội, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) mức án từ 9 - 10 năm tù về tội " Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Cùng tội, nhóm bị cáo là lãnh đạo của tập đoàn Tân Hoàng Minh , gồm: Đỗ Hoàng Việt (con trai ông Dũng) bị đề nghị 5 - 6 năm tù; Phùng Thế Tính (nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính - Kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính - Kế toán Tân Hoàng Minh) 4 - 5 năm tù; Hoàng Quyết Chiến (quyền Phó Giám đốc Trung tâm Tài chính - Kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính - Kế toán) 4 - 5 năm tù.
Các bị cáo Lê Thị Mai (nguyên Phó trưởng Ban Nguồn vốn); Vũ Lê Vân Anh (Phó Giám đốc Ban Nguồn vốn); Nguyễn Văn Khẩn (Phó trưởng phòng Ngân sách Trung tâm Tài chính - Kế toán); Lê Văn Thịnh (Phó Tổng Giám đốc); Trần Hồng Sơn (Phó Tổng Giám đốc); Nguyễn Khoa Đức (Trợ lý Phó Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh, Giám đốc Công ty Cung điện Mùa Đông); Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch HĐQT Công ty Ngôi Sao Việt) bị đề nghị 30 - 42 tháng tù
Đối với nhóm bị cáo thuộc đơn vị kiểm toán, Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên Bùi Thị Ngọc Lân (nguyên Giám đốc Công ty kiểm toán Nam Việt Chi nhánh phía Bắc); Lê Văn Dò ( Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và Kế toán Hà Nội); Phan Anh Hùng (nguyên Phó Giám đốc Công ty CPA Hà Nội Chi nhánh Sài Gòn); Nguyễn Thị Hải (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty CPA Hà Nội) các mức án từ 24 - 36 tháng tù giam.
Về dân sự, do đã khắc phục hậu quả, Viện kiểm sát không đề nghị các bị cáo phải nộp thêm.
Riêng yêu cầu trả lãi đến hạn, trả lãi chậm, theo kiểm sát viên, hành vi phát hành trái phiếu đã được xác định là vi phạm pháp luật, các hợp đồng đầu tư mua trái phiếu của bị hại với Tân Hoàng Minh không hợp pháp. Vì vậy, Viện kiểm sát cho rằng cần giải quyết theo quy định pháp luật về giao dịch vô hiệu.
Chủ tịch Tân Hoàng Minh giữ vai trò chính
Viện kiểm sát xác định, xuất phát từ khó khăn tài chính, nợ ngân hàng lên tới 20.000 tỷ đồng, năm 2021 - 2022, ông Đỗ Anh Dũng chỉ đạo con trai Đỗ Hoàng Việt huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu.
Theo Viện kiểm sát, ông Dũng cùng nhóm thuộc cấp bị cáo buộc không sử dụng pháp nhân Tân Hoàng Minh do số liệu tài chính phức tạp, không đủ điều kiện, do đó đã lựa chọn các công ty trực thuộc tập đoàn, gồm: Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung Điện Mùa Đông, để ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng khống như mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư.
Thực hiện việc này, Việt và thuộc cấp liên hệ với hai công ty kiểm toán để "làm đẹp báo cáo tài chính" sao cho đủ điều kiện phát hành trái phiếu.
Viện kiểm sát cho rằng, bằng cách thức trên, Ngôi Sao Việt , Soleil , Cung Điện Mùa Đông, đã phát hành 9 gói trái phiếu tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Tân Hoàng Minh sau đó ký các hợp đồng giả cách chuyển nhượng trái phiếu.
Nhóm ông Dũng bị cáo buộc chỉ đạo tổ chức chạy dòng tiền "khống" để tạo lập giá trị "ảo" của trái phiếu. Dòng tiền sẽ chạy từ Tân Hoàng Minh sang các công ty phát hành rồi lại chuyển về cho Tân Hoàng Minh để đủ tiền mua hết 90 triệu trái phiếu.
Dù các lô trái phiếu đều có thời hạn 2 - 5 năm, Tân Hoàng Minh sau đó chia nhỏ kỳ hạn đến tuần, tháng để mua đi bán lại nhiều lần, thu về gần 14.000 tỷ đồng.
Tại thời điểm khởi tố vụ án, tháng 4/2022, Tân Hoàng Minh dùng hơn 5.000 tỷ đồng của người mua trái phiếu sau để trả cho người mua trái phiếu đến hạn trước. Số còn lại hơn 8.600 tỷ đồng của 6.630 khách hàng đã bị Tân Hoàng Minh chiếm đoạt.
Trong hơn 1 giờ luận tội, Viện kiểm sát cho rằng Tân Hoàng Minh là công ty gia đình, ông Đỗ Anh Dũng giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo phát hành trái phiếu nên cần áp dụng mức án phạt cao nhất; bị cáo Đỗ Hoàng Việt cùng nhóm lãnh đạo công ty con giữ vai trò tham mưu giúp sức cho Đỗ Anh Dũng, quá trình làm không hưởng lợi ích vật chất, cần áp dụng hình phạt thấp hơn.
Đối với nhóm bị cáo thuộc công ty kiểm toán, Viện kiểm nhận định họ ban hành báo cáo kiểm toán 'vi phạm', tạo điều kiện cho Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu bán cho khách hàng thu lợi bất chính. Tuy nhiên, các bị cáo thực hiện công việc có thiếu sót, không lường trước được hậu quả.
Xét nhân thân, Viện kiểm sát đánh giá các bị cáo chưa có tiền án tiền sự, có người là thương binh, gia đình có công với cách mạng, do đó, cần xem xét giảm nhẹ án phạt.