TAND Hà Nội đang xét xử ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và con trai Đỗ Hoàng Việt với cáo buộc phát hành trái phiếu để chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng.
Sáng 19/3, ngày đầu tiên xét xử, hàng nghìn bị hại mua, góp vốn đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh đã đội mưa lạnh đến dự tòa với hy vọng sớm lấy lại được tiền. Nhưng cũng có người ở xa chưa thể đến Hà Nội trực tiếp dự phiên tòa như chị Vũ Thị Mai (33 tuổi, quê TP Lạng Sơn), khi ba con nhỏ chưa nhờ được ai trông.
Đầu năm 2022, Mai được người quen giới thiệu đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh. Dù chưa có kiến thức và kinh nghiệm nhưng chị vẫn bàn với chồng "liều xem sao", bởi tin tưởng "là tập đoàn lớn, uy tín".
Mức lãi suất Tân Hoàng Minh hứa trả đã hấp dẫn Mai và hàng nghìn nhà đầu tư. Từ giữa năm 2021 đến đầu 2022, Tân Hoàng Minh tung ra thị trường 9 lô trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng, lãi suất từ 11,5% đến 12%/năm. Lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng khi đó cao nhất 8,2%/năm, còn đa số dưới 6%.
Vợ chồng Mai bàn nhau dùng hết tiền tiết kiệm hơn 300 triệu đồng mua trái phiếu. Đây là số tiền hai vợ chồng tích cóp sáu năm, từ khi cưới nhau. Khi đó, cô gái phố núi "chỉ nghĩ đơn giản mua trái phiếu cũng như gửi ngân hàng nhưng lãi suất cao hơn".
Ngày đến chi nhánh Tân Hoàng Minh ở gần nhà, Mai được nhân viên mang nhiều giấy tờ chứng minh đây là tập đoàn lớn. Tuy nhiên, hàng loạt khó khăn của Tân Hoàng Minh trong kinh doanh, các khoản nợ đến hạn chưa có tiền trả thì không được nhân viên tư vấn nhắc đến.
Theo cáo buộc của VKS, tính đến tháng 1/2022, Tân Hoàng Minh nợ ngân hàng gần 20.000 tỷ đồng, chưa kể 8 gói trái phiếu đã phát hành từ năm 2021. Để tháo gỡ khó khăn cho tập đoàn, ông Dũng chỉ đạo con trai Đỗ Hoàng Việt huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Vậy là không nghĩ nhiều, hôm đó Mai dùng hết tiền tiết kiệm mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, kỳ hạn một năm mà "không thể nghĩ có cảnh bi đát như hôm nay".
Chưa hết vui mừng vì có nơi đầu tư lãi suất cao, một ngày đầu tháng 4/2022, tin "sét đánh ngang tai" đến với Mai: Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và con trai bị bắt về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mai chưa được lấy một đồng nào tiền lãi từ trái phiếu.
"Mấy trăm triệu của hai vợ chồng sẽ đi đâu về đâu? Có lấy lại được không?", Mai kể những ý nghĩ đó cứ quẩn quanh trong đầu. Lo khoản đầu tư bị mất trắng, vợ chồng phải tằn tiện chi tiêu hơn để nuôi ba con nhỏ.
Hai tháng sau, cô cùng hàng chục bị hại ở Lạng Sơn xuống Hà Nội, đến trụ sở tập đoàn Tân Hoàng Minh đòi tiền. Đoàn được nhân viên tập đoàn tiếp, trả lời hết các câu hỏi về quyền lợi. "Nhưng chuyện quan trọng nhất là khi nào lấy lại được tiền thì nhân viên nói do lãnh đạo bị bắt hết, nên chưa thể rút sớm, cũng chưa biết khi nào tiền sẽ về lại với nhà đầu tư", Mai kể.
Cô sau đó cùng nhiều người khác xuống Hà Nội thêm hai lần nữa nhưng những câu trả lời vẫn như cũ mà tiền "chưa thấy đâu".
Vợ chồng Mai ngóng trông từng ngày đến phiên tòa, bởi đó là khe cửa duy nhất để nuôi hy vọng lấy lại được tiền "không cần lãi, chỉ cần gốc".
Khi biết cha con ông Dũng đã nộp tiền khắc phục toàn bộ hậu quả, hy vọng trong Mai càng lớn hơn. Vì vậy, dù không xuống Hà Nội dự phiên xét xử được nhưng Mai đã ký đơn xin giảm án cho ông Dũng, cùng với hơn 1.420 bị hại.
"Bây giờ làm ăn ngày càng khó khăn nên mong sao ngay sau bản án, tôi và hàng nghìn bị hại sẽ được nhận lại tiền, sớm ngày nào tốt ngày đó", Mai bày tỏ trong chiều 19/3.
Theo tổ chức dữ liệu tài chính FiinPro (Hà Nội), số lượng trái phiếu doanh nghiệp được nắm giữ bởi các cá nhân lên tới 32,6%, tức cứ 10 trái phiếu được phát hành thì có 3 được mua bởi người dân.
6.630 bị hại của vụ án này, như nhận định của FiinPro và cáo trạng VKSND Tối cao, đều là "nhà đầu tư không chuyên". Họ là người chưa từng tìm hiểu về tài chính như Mai hoặc mua trái phiếu chỉ vì "cái tên của doanh nghiệp" và hơn nữa vì mức lãi suất hấp dẫn, 11,5-12%.
Theo danh sách được HĐXX cho chạy trên màn hình điện tử suốt hai ngày qua tại phiên tòa, phần lớn các bị hại là người cao tuổi, trú Hà Nội. Số tiền đầu tư từ 100 triệu đồng, đến gần 20 tỷ đồng. Nhiều bị hại cao tuổi hy vọng tìm được sự "độc lập tài chính" khi về già, do đó dồn tiền tiết kiệm cả đời để đầu tư, coi đó là kế hoạch nghiêm túc và có tiềm năng, mục đích để nhận lãi.
Trong khi nhiều người trẻ cho hay đầu tư do có bạn làm việc trong tập đoàn, được họ "nhờ" ký hợp đồng mua trái phiếu để "chạy chỉ tiêu". Số tiền bỏ ra 100-150 triệu đồng.
"Bạn tôi nói gửi xong rút ra luôn cũng được, chỉ cần có hợp đồng là đã mua trái phiếu để báo cáo công ty thôi", bị hại Minh, 33 tuổi, trú Hà Nội, chia sẻ. Nhưng cha con chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt ngay buổi chiều anh ký hợp đồng, 5/4/2022.
Theo luật sư của bị cáo Đỗ Hoàng Việt trước phiên tòa, hơn 1.400 người đã có đơn xin giảm án cho cha con ông chủ Tân Hoàng Minh và các bị cáo nói chung. Tất cả có nguyện vọng lấy lại được tiền mua trái phiếu, song quanh quan điểm "đòi lãi hay không đòi lãi", vẫn phân hai luồng ý kiến trái chiều.
Cũng như Mai, tại tòa, nhiều bị hại bộc bạch "thời gian quá lâu rồi, giờ chỉ mong lấy được tiền gốc đã là mãn nguyện". Một số trước khi ông chủ Tân Hoàng Minh bị bắt vẫn được doanh nghiệp trả lãi đúng hạn, đúng số tiền. Đây cũng là nhóm bị hại có đơn xin giảm nhẹ cho các bị cáo, với hy vọng sau này, công ty tiếp tục vực dậy, làm ăn có lãi và trả lãi cho mình.
"Tôi biết trong thời gian ngắn mà Tân Hoàng Minh khắc phục đủ số tiền đó là không đơn giản nên chỉ mong nhận hết gốc, lãi tính sau", bị hại Cao Minh Hằng, 67 tuổi, phát biểu tại tòa chiều 20/3.
Song nhiều người mua trái phiếu với số lượng lớn tỏ ra bất bình, đề nghị phải được thanh toán cả gốc lẫn lãi, theo đúng hợp đồng.
Phản hồi những tâm tư này, trả lời câu hỏi của luật sư chiều qua, bị cáo Đỗ Anh Dũng cam kết trả lãi với các trái phiếu mua trước khi ông bị bắt. Còn số mua sau đó, ông khẳng định, sẽ làm theo phán quyết của tòa.
Cha con ông Dũng và đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt 8.600 tỷ đồng của 6.630 nhà đầu tư. Tiền chiếm đoạt, ông dùng để trả nợ quá hạn cho ngân hàng, mua cổ phần hợp tác đầu tư, đặt cọc khu đô thị mới Thủ Thiêm, đầu tư chứng khoán và từ thiện.
Theo VKS, cha con ông Dũng đã nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt để khắc phục hậu quả, nhưng chưa nhà đầu tư nào nhận lại được tiền đã mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh. Trình bày tại tòa, ông Đỗ Anh Dũng khẳng định "chưa bao giờ có ý định lừa đảo".
13h30 hôm nay, VKS sẽ luận tội cha con ông Dũng và 13 đồng phạm sau hai ngày xét xử.