Cùng bị truy tố tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như ông Dũng, con trai ông, Đỗ Hoàng Việt, 30 tuổi, Phó Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh, bị đề nghị 5-6 năm tù.
Bản luận tội đánh giá Tân Hoàng Minh là công ty gia đình, bị cáo Dũng là người điều hành, chỉ đạo cao nhất xuyên suốt toàn bộ hoạt động kinh tế của tập đoàn và cả chuỗi sai phạm. Do đó, ông phải chịu hình phạt cao nhất.
Con trai, Đỗ Hoàng Việt, Phó tổng giám đốc, là người "tham mưu, đề xuất, giúp sức tích cực" cho cha.
13 bị cáo còn lại, gồm các phó tổng giám đốc, trưởng ban, nhân viên Tân Hoàng Minh cùng 4 lãnh đạo của 2 công ty kiểm toán, đều được xác định là đồng phạm, thực hiện theo chỉ đạo, "thông đồng" giúp bị cáo Dũng chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
VKS cho rằng các bị cáo có năng lực nhận thức, có hiểu biết về pháp luật và đầu tư nhưng vì động cơ vụ lợi đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, chiếm đoạt tài sản của hơn 6.600 người.
VKS xác định toàn bộ thiệt hại vụ án đã được các bị cáo khắc phục đầy đủ. Do đó, về dân sự, với yêu cầu của các bị hại về việc trả lại tiền gốc mua trái phiếu là có căn cứ, đề nghị tòa chấp thuận.
Riêng yêu cầu trả lãi đến hạn, trả lãi chậm trả, theo kiểm sát viên, hành vi phát hành trái phiếu đã được xác định là vi phạm pháp luật, các hợp đồng đầu tư mua trái phiếu của bị hại với Tân Hoàng Minh do đó không hợp pháp, tức hợp đồng vô hiệu. Vì vậy, VKS cho rằng cần giải quyết theo quy định pháp luật về giao dịch vô hiệu.
Trước đó, trong phần trả lời xét hỏi, cha con ông Dũng cơ bản thừa nhận cáo trạng, khai phát hành trái phiếu do khó khăn kinh tế và muốn huy động vốn cho các dự án lớn đang thực hiện. Ông chỉ đạo chủ trương chung, con trai ông cùng thuộc cấp bàn bạc phương án thực hiện.
Ông Dũng phủ nhận động cơ "lừa đảo chiếm đoạt tiền" của các nhà đầu tư, khai coi họ là đối tác và trả lãi đúng thời hạn, đủ số tiền. Sai phạm xảy ra, theo ông, do hiểu biết bản thân chưa đủ về lĩnh vực trái phiếu. Còn Việt khai "không nghĩ hậu quả lớn đến vậy".
Các bị cáo là nhân viên Tân Hoàng Minh nói thực hiện theo chỉ đạo cấp trên, không được hưởng lợi. Các giám đốc của các công ty thuộc "hệ sinh thái" Tân Hoàng Minh tin tưởng công ty phát triển, đủ tiềm năng trả lãi cho các nhà đầu tư.
Bản thân họ cũng như gia đình, bạn bè, người thân đều đầu tư nhiều tỷ đồng mua trái phiếu. Họ xin xem xét yếu tố không hưởng lợi, đã nộp khắc phục "trong khả năng có thể", mỗi người 15-100 triệu đồng.
Ngày khai mạc phiên tòa, khoảng hơn 1.000 trong số 6.630 bị hại đến tham dự, ngồi kín 2 hội trường xét xử và một rạp ngoài trời. Sau khi kiểm tra, đối chiếu thông tin trên danh sách được TAND Hà Nội liên tục cập nhật, ngày thứ hai của phiên xét xử, số bị hại đến tham dự chỉ chưa đến 100. Hôm nay, TAND Hà Nội đã dỡ rạp.
Một số bị hại được tòa hỏi nguyện vọng cho biết, mong muốn được trả lại tiền, "cả gốc và lãi", hoặc chỉ cần gốc. Phát biểu sau đó, bị cáo Dũng cam kết trả lãi cho số trái phiếu mua trước khi ông bị bắt. Còn số sau đó, ông tuân theo phán quyết của tòa.
Vụ án được xác định khởi nguồn từ những khó khăn tài chính của Tân Hoàng Minh từ đầu năm 2022, khi nợ ngân hàng lên tới 20.000 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ. Từ đây, ông Dũng chỉ đạo con trai Đỗ Hoàng Việt huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu thông qua các công ty thuộc "hệ sinh thái" Tân Hoàng Minh.
Các báo cáo tài chính được chỉnh sửa để các công ty đủ điều kiện phát hành, sau đó ký các hợp đồng thực hiện dự án hợp tác không có thật để lấy lòng tin của nhà đầu tư. Hơn 90 triệu trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ, được bán lại cho Tân Hoành Minh,bằng cách "chạy dòng tiền khống", để tập đoàn này sau đó chia nhỏ kỳ hạn, bán lại cho dân, thu 14.000 tỷ.
Số tiền được sử dụng sai mục đích, hơn 8.600 tỷ đồng được tính là thiệt hại vụ án, đã được Tân Hoàng Minh nộp lại.