Chiều ngày 25/4, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (Mã: SSI) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Báo cáo tại đại hội, SSI có tổng cộng hơn 74.000 cổ đông và số lượng tham dự tính đến 14h gần 800 cổ đông, đại diện cho hơn 53% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT SSI Nguyễn Duy Hưng nói theo quy định của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 2021 thì tổng giám đốc và chủ tịch HĐQT không phải là người có liên quan. Tuy nhiên, hiện Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng và CEO Nguyễn Hồng Nam (được bổ nhiệm CEO từ 2020) là anh em ruột.
"Công ty đã có sự chuẩn bị lực lượng, người kế cận để có người làm tổng giám đốc trong tương lai nhằm không vi phạm các quy định mới", ông Hưng nói về cơ cấu nhân sự khi nhiệm kỳ của ông Nam sẽ kết thúc vào 2025.
PHIÊN THẢO LUẬN
1, Tự doanh hoạt động ra sao?
Giám đốc Tự doanh, Kinh doanh nguồn vốn Nguyễn Vũ Thùy Hương: Con số tự doanh và nguồn vốn chiếm khoảng 60% lợi nhuận SSI. Tự doanh gồm 3 mảng: kinh doanh nguồn vốn, kinh doanh cổ phiếu và kinh doanh phái sinh. Kinh doanh nguồn vốn chiếm lớn nhất 45% lợi nhuận SSI và kinh doanh cổ phiếu khoảng 15%.
Trong năm 2023, kinh doanh cổ phiếu có tỷ suất lợi nhuận khoảng 20%, cao hơn mức tăng VN-Index.
2, Tăng trưởng lợi nhuận đến từ đâu?
Bà Nguyễn Vũ Thùy Hương: Dựa trên kế hoạch kinh doanh 2024 thì có 4 khối kinh doanh chính: bán lẻ, đầu tư nguồn vốn, dịch vụ ngân hàng đầu tư và bán buôn. Với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 19% thì công ty đặt kế hoạch cho tất cả các mảng phải tăng tương đương với tỷ lệ tăng của toàn công ty.
3, SSI có marker maker (vừa mua vừa bán cùng cổ phiếu) không?
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng: Hiện công ty chưa có hoạt động này. Tuy nhiên, SSI có mảng phái sinh là một dạng này.
Phó tổng giám đốc Nguyễn Đức Thông: Chứng quyền do SSI phát hành thì có làm maket maker để thuận lợi cho việc giao dịch của nhà đầu tư, một cách an toàn và thông suốt.
4, Lộ trình nâng hạng ra sao?
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng: Nâng hạng là chuyện của thị trường, còn SSI chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đón đầu cơ hội, hỗ trợ các yếu tố cho nâng hạng thị trường.
5, Margin tại công ty ra sao?
Bà Vũ Ngọc Anh: Đối với phần cho vay margin đây là điều quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Điều này có 2 lợi ích, công ty chứng khoán có thêm nguồn thu và với nhà đầu tư có thêm đòn bẩy để đầu tư. Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh mảng này.
Kế hoạch dư nợ cuối năm lên 20.000 tỷ đồng, tăng lên từ mức khoảng 17.000 tỷ đồng hiện nay.
Song song với phát triển dư nợ margin thì cũng cung cấp dịch vụ quản trị rủi ro an toàn cho khách hàng.
6, Chiến lược zero fee và cho vay margin?
Ông Hưng: Việc cung cấp dịch vụ phụ thuộc nhu cầu khách hàng để công ty điều chỉnh bước đi phù hợp, đảm bảo lợi ích công ty và hoạt động cho khách hàng. Tùy theo nhu cầu của khách hàng sẽ có bước đi phù hợp để tất cả các bên hài lòng.
7 Phát hành cổ phiếu đến đâu?
Ông Hưng: Công ty thông báo triển khai từ năm ngoái nhưng việc phê duyệt mất thời gian, việc phát hành theo đó chưa hoàn tất.
8, Đã kết nối KRX chưa?
Ông Thông: Về các đợt test với VSD thì công ty đã qua các đợt thử nghiệm không có vấn đề gì, đợt 30/4 là đợt kiểm định cuối. Công ty khá tự tin kết nối với KRX.
Ban đầu, công ty dự định sẽ không có thay đổi nhiều, nhưng hiện giờ nhìn lại KRX sẽ tạo cơ hội kinh doanh những sản phẩm và lĩnh vực mới. Đây là hệ thống có thể thay đổi bộ mặt cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
9, Chi phí lãi vay ra sao?
Ông Hưng: SSI có thể huy động vốn giá rẻ, còn việc cho vay cụ thể phù thuộc vào điều kiện thị trường. Cá nhân tôi thấy lãi suất cho vay của SSI đang thấp hơn thị trường, đang cho hiệu quả và cân đối được nguồn.
10, Chiến lược mảng quản lý tài sản cá nhân
Tổng giám đốc SSIAM Nguyễn Ngọc Anh: Mảng quản lý quỹ có 90.000 khách hàng cá nhân và tổ chức. Công ty vừa mở ra mảng ủy thác đầu tư cho khách hàng cao cấp, hy vọng 2-3 năm tới đây sẽ là hoạt động quan trọng trong việc điều hành quỹ.
Bà Vũ Ngọc Anh: Trong những năm vừa qua, chủ đề liên quan đến quản lý tài sản cũng rất được quan tâm. Việt Nam có 2 xu hướng mới là: thế hệ người giàu mới và sự dịch chuyển tài sản từ cha mẹ sang con cái, do đó nhu cầu quản lý tài sản sẽ rất lớn.
Tại Việt Nam, phần lớn các công ty tài chính cũng đang quan tâm mảng này. Công ty xác định đây là nhu cầu chắc chắc có. Công ty đã hoàn thành giai đoạn 1 về chiến lược phát triển quản lý tài sản và sẽ ra mắt những sản phẩm đầu tiên về tư vấn đầu tư.
11, Tại sao tốc độ tăng lợi nhuận nhanh hơn?
Ông Hưng: Điều này không giống sản xuất hàng hóa, đôi khi doanh thu tăng 1% nhưng lợi nhuận có thể tăng hơn 1% là bình thường.
12, Sau sự cố VND thì SSI tăng cường bảo mật ra sao?
Ông Hưng: Đây là sự cố không tốt cho thị trường chứng khoán nói chung. Không phải sau sự việc VND công ty mới quan tâm mà trước đó SSI đã quan tâm, thậm chí nhân viên còn cảm thấy tại sao SSI quan tâm hơi quá vấn đề này.
Ông Thông: Việc đầu tư vào an toàn hệ thống lúc nào cũng là quan tâm hàng đầu. Cách để đảm bảo là làm sao để người xấu vào hệ thống thì phát hiện được ngay và loại càng sớm càng tốt. Nên chúng tôi rất quan tâm và có nhiều kịch bản để xử lý.
Chúng tôi luôn cập nhật các phương pháp tấn công mới để rà soát lại hệ thống và thích ứng. Một khâu rất quan trọng khác là phải sao lưu và phục hồi được dữ liệu.
13, Có phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược?
Ông Hưng: Đối tác phát hành thì phải xem đóng góp gì cho công ty, quan trọng phải đúng người, đúng giá trị, hợp tác giá trị hơn là việc chỉ phát hành tăng vốn. Công ty vẫn đang theo đuổi và khi nào có sẽ xin ý kiến cổ đông.
14, Thị phần giảm, công ty có chiến lược ra sao?
Ông Hưng: Điều này không chỉ SSI mà nhiều công ty lớn cũng đang giảm, riêng VPS tăng lên. SSI đưa ra rất nhiều giải pháp nhưng phục hồi thị phần nhưng câu chuyện không phải là ngày một ngày hai. Công ty coi thị phần là một điều để phấn đấu chứ không phải là duy nhất, công ty còn nhiều mục tiêu khác để phấn đấu, không thể bỏ qua yếu tố phát triển bền vững.
18, Chuẩn bị đến đâu cho prefunding?
Ông Hưng: SSI là đơn vị đầu tiên đưa ra ý tưởng về prefunding và sẵn sàng đứng ra thực hiện, đảm bảo tự tin nhận thực hiện.
19, Dự báo của công ty lên 1.300 điểm có thấp?
Ông Hưng: SSI không dự báo VN-Index lên 1.300 điểm mà đây chỉ là giả định dao động quanh mức 1.300 điểm. SSI từ lâu đã không tiên đoán VN-Index cuối năm sẽ chạm ngưỡng bao nhiêu.
20, Đâu là yếu tố rủi ro lớn nhất cho thị trường?
Ông Hưng: Rủi ro lớn nhất là lòng tin của nhà đầu tư. May là nhà đầu tư vẫn giữ niềm tin với thị trường chứng khoán, hiện thanh khoản thị trường cũng đã cải thiện.
Kế hoạch lãi kỷ lục 3.400 tỷ đồng
Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19%.
Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất của SSI từ trước đến nay. Con số lợi nhuận này nhỉnh hơn so với 3.365 tỷ đồng đạt được năm 2021 khi thị trường chứng khoán bùng nổ, các mảng kinh doanh đều thuận lợi.
Hội đồng quản trị đồng thời muốn được cổ đông ủy quyền điều chỉnh kế hoạch phù hợp khi mức tăng trưởng và thanh khoản thị trường không đạt mức giả định.
Công ty mẹ SSI kết thúc quý I với kết quả lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 727 tỷ đồng, tăng lần lượt 53% và 51% so với cùng kỳ. Đây là kết quả tốt nhất kể từ quý IV/2021 đến nay.
Theo SSI, doanh thu hợp nhất ước đạt 2.022 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 945 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này tương ứng mức thực hiện 25% và 28% so với kế hoạch 2024.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận cho năm 2023, HĐQT đề xuất mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt 10%, tương đương với số tiền dự chi 1.511 tỷ đồng.
Tại đại hội, HĐQT cũng sẽ trình thông qua tiếp tục thực hiện các phương án chào bán, phát hành cổ phiếu đã được chấp thuận năm 2023, phát hành tối đa 10 triệu cổ phiếu ESOP năm 2024, bầu 2 thành viên hội đồng quản trị và các nội dung khác.
Tiếp tục cập nhật...