Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng doanh nghiệp và người dân cả nước còn khó khăn, đây là điều không thể bàn cãi do tác động của đại dịch COVID-19 trong thời gian dài, tiêu hao gần hết tiết kiệm của người dân, tích luỹ của doanh nghiệp cũng như các quỹ của Nhà nước, theo Người lao động.
Chủ tịch nước đề nghị cần nhìn thực chất vì sao thu ngân sách nhà nước tăng rất cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch? Đây là điều bất thường trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ do tác động của COVID-19.
Trước mắt là dấu hiệu lạm phát khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao; giá cả năng lượng toàn cầu chu kỳ này tiếp tục thâm nhập sâu vào nền kinh tế. Các yếu tố đầu vào cũng tăng, kéo theo nền kinh tế vào khó khăn chung.
Nói về tình hình thị trường chứng khoán, Chủ tịch nước cho rằng vừa qua có nhiều yếu tố tác động khiến thị trường chứng khoán đã sụt giảm mạnh. Chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng, nhưng gần đây xuống rất nguy cơ, giảm giá trị 500-600 tỷ USD trong thời gian ngắn, trong khi FDI vào mạnh nhưng cũng chỉ đem vào sản xuất trên 10 tỉ USD.
"Nói điều này để thấy rằng cần có những biện pháp tốt hơn, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa để ổn định kênh này để dòng vốn đến với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và quyết định đến tăng trưởng.
Đối với doanh nghiệp hiện có hai kênh quan trọng, một là tín dụng, hai là trái phiếu. Trái phiếu bản chất không phải xấu, chỉ có điều chúng ta điều phối, kiểm soát thế nào cho nó tốt, bởi những thị trường vốn này rất quan trọng đối với doanh nghiệp", Chủ tịch nước nói.
Lưu ý gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn nữa, đi vào cuộc sống để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn tiêu đề một bài báo rằng "Đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo".
Bên cạnh đó là các vấn đề xã hội cũng cần đặc biệt quan tâm, nhất là về giáo dục, tình trạng xâm hại, bạo hành, đuối nước, bạo lực học đường với trẻ em. Cuối cùng vẫn là vấn đề con người nên cần chính sách phát triển nguồn nhân lực.
Bên cạnh việc chỉ ra những thách thức mà nền kinh tế đang đối diện, Chủ tịch nước khẳng định dù tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp nhưng với sự lãnh đạo Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, Chính phủ, chúng ta đã đạt kết quả quan trọng bước đầu.
Chủ tịch nước đánh giá các chỉ số nền kinh tế 5 tháng của năm 2022 là đáng mừng, dấu hiệu tăng trưởng thu ngân sách, xuất nhập khẩu, nông nghiệp...
"Thành công tại SEA Games 31 rất vang dội, được tổ chức tốt với thành tích cao, ứng xử văn hoá để lại ấn tượng trong lòng bạn bè", Chủ tịch nước nói, song cũng lưu ý "đó mới chỉ là kết quả bước đầu" nên không được chủ quan, thoả mãn.
Theo VTV, tham gia thát biểu tại buổi thảo luận tổ, bên cạnh sự phục hồi của các hoạt động kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực, tuy nhiên đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) nhận định, những tháng cuối năm, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới dự báo có nhiều thách thức, nhất là những nước nền kinh tế có độ mở lớn.
Đại biểu này cho rằng, với tình hình giá xăng dầu hiện nay, các cơ quan cần có tiếng nói để nhanh chóng kiểm soát giá xăng dầu, không để giá xăng dầu tăng lên quá cao.
“Chúng ta chấp nhận theo cơ chế thị trường nhưng chúng ta có những công cụ kiểm soát. Công cụ là gì, đó là thuế bảo vệ môi trường, đã giảm 50%, sắp tới có thể đề xuất giảm tiếp. Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.
Xăng dầu không còn là mặt hàng đặc biệt nữa mà là mặt hàng rất cần thiết. Không có lý do gì chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu”, đại biểu cho rằng, trong kỳ họp này nên đưa vấn đề này vào Quốc hội xem xét.