Ngày 24/5, trao đổi với VOV tại hội thảo “Phục hồi và phát triển ngành hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới”, trước thông tin về vị trí xây dựng sân bay thứ 2 tại Hà Nội, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT chưa biết gì về vị trí sân bay thứ 2 vùng Thủ đô ở Thường Tín.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết thêm: “Đây là đề xuất của TP Hà Nội, việc này cần phải xem xét dựa trên nhiều yếu tố và nghiên cứu khoa học cụ thể chứ không thể nói đặt ở đâu là đặt được”.
Cụ thể, theo lãnh đạo, việc xem xét vị trí đặt một sân bay ở vị trí nào phải được xem xét của rất nhiều Bộ, ngành, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bay, đặc biệt là phải đảm bảo yếu tố an ninh, quốc phòng.
Xoay quanh vị trí xây dựng sân bay thứ 2 tại Hà Nội, thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn chia sẻ với Dân trí, ông khẳng định Bộ ủng hộ việc xây sân bay thứ 2, tuy nhiên vị trí chưa được đưa vào quy hoạch.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ GTVT góp ý quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó khẳng định quan điểm muốn có sân bay thứ 2 ngoài Nội Bài và phải được đặt tại Thủ đô.
Tại văn bản gửi Bộ GTVT lần đó, UBND TP Hà Nội giữ quan điểm về vị trí dự kiến quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế thứ 2 tại khu vực huyện Ứng Hòa do vị trí này đảm bảo khoảng cách giữa sân bay Nội Bài phía Bắc và sân bay thứ hai phía Nam Thủ đô (54km), cách sân bay Miếu Môn, khu vực trường bắn Miếu Môn ở phía Tây Bắc khoảng 20km, cách các dãy núi đá Trung Sơn, Vĩnh An phía Tây khoảng 14km.
Trước đó, Cục Hàng không cho biết, việc quy hoạch một sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô là định hướng, tầm nhìn phát triển hàng không cho tương lai nhằm giải quyết trường hợp sân bay Nội Bài bị quá tải. Vì theo tính toán, đến năm 2050 sản lượng khách qua cảng hàng không quốc tế Nội Bài là khoảng 100 triệu lượt, khi đó dù đã mở rộng cảng hàng không này thì cũng khó đáp ứng được nhu cầu phát triển. Vì vậy, phải tính tới việc xây dựng sân bay số 2 tại Hà Nội.
Hà Nội đã nghiên cứu, đề xuất xây dựng sân bay ở phía Nam đặt ở khu vực huyện Thường Tín. Vị trí này có thể tránh được núi ở khu vực phía Tây, ít ảnh hưởng tới việc tiếp cận của máy bay khi về Nội Bài, đồng thời có thể nghiên cứu hướng đường cất-hạ cánh song song với đường cất-hạ cánh của sân bay Nội Bài.