Thời sự

Chủ tịch FiinGroup: Thị trường BĐS đóng băng dài hơn dự kiến là rủi ro chính với triển vọng kinh tế 2024

Tại hội thảo Triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2024 do FiinGroup tổ chức chiều 22/11, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup nói về 4 động lực dẫn dắt cho tăng trưởng kinh tế năm tới.

 Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup. (Ảnh: UNDP).

Ông cho biết số liệu tháng 10 cho thấy xuất khẩu đang tăng trưởng trở lại, ba thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều có dấu hiệu tích cực, đặc biệt là thị trường Mỹ. Dự báo tăng trưởng xuất khẩu năm tới đạt 8-10% trong kịch bản tích cực.

Động lực thứ hai đến từ đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Dòng vốn FDI từ 5 quốc gia rót nhiều vốn FDI vào Việt Nam về cơ bản vẫn có tín hiệu tốt.

 

 

Tiêp theo, cầu tiêu dùng hồi phục và giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng. Ông Thuân cho rằng năm sau Chính phủ sẽ vẫn dành ngân sách lớn thúc đẩy đầu tư công trong bối cảnh thế giới nhiều rủi ro và các động lực khác phục hồi tương đối chậm.

 

Bên cạnh đó, Chủ tịch FiinGroup đánh giá rủi ro với nền kinh tế là khá lớn trong năm tới khi xét đến bối cảnh quốc tế. Mỹ và Trung Quốc đều được dự báo phục hồi chậm trong năm 2024. Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, Trung Quốc đứng đầu nhóm các nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào nước ta.

“Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm tới đạt khoảng 4,5%. Trong trường hợp thị trường bất động sản nước này khó khăn hơn, tăng trưởng GDP năm 2024 chỉ khoảng 3%. Mức này theo chúng tôi đánh giá là nền kinh tế suy thoái”, ông Thuân nói.

Về rủi ro với tăng trưởng xuất phát từ vấn đề nội tại của kinh tế Việt Nam, đại diện FiinGroup nhấn mạnh rủi ro chính là thị trường bất động sản đóng băng dài hơn dự kiến. Góc nhìn chung của các tổ chức là thị trường bất động sản hồi phục giữa năm sau, tuy nhiên chưa có chỉ báo khẳng định hồi phục thời gian nào, giữa năm 2024 hay cuối năm 2024.

 

Ông cho rằng tín hiệu hồi phục của thị trường bất động sản sẽ đến khi hài hòa được lợi ích của chủ đầu tư, ngân hàng và cơ quan quản lý. Khi nào chủ đầu tư giảm giá, ngân hàng giảm lãi suất và cơ quan quản lý đồng hành trên diện rộng, hỗ trợ pháp lý, tạo điều kiện trên diện rộng, khi đó thị trường sẽ có điểm mở.

Hai rủi ro khác được ông đề cập đến là huy động vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn và rủi ro địa chính trị và thực thi chính sách chậm của Việt Nam.  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm