Bàn về câu chuyện chuyển đổi xanh tại Diễn đàn thường niên lần thứ 6: Khơi nguồn Tài chính xanh và Quản trị xanh diễn ra sáng 22/11, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Viện thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) cho rằng thị trường tài chính xanh là kênh dẫn vốn quan trọng cho tăng trưởng xanh ở tất cả các nền kinh tế.
Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khá mới mẻ đối với các thành viên tham gia thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung tại Việt Nam.
Những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế, thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với ba cấu phần, gồm: Tín dụng xanh, cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.
Song việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển thị trường và các sản phẩm tài chính xanh vẫn còn nhiều hạn chế và cần được coi là một ưu tiên của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
15,7 tỷ USD nguồn vốn xanh
Cũng theo bà Thanh, trong giai đoạn khó khăn doanh nghiệp càng cần phải rà soát xem mô hình của mình đã thực sự bền vững và đủ sức chống chọi với những rủi ro hay chưa? Hiện nay các quỹ đầu tư quốc tế sẵn sàng đầu tư khoảng 15,7 tỷ USD cho 10 năm tới, vấn đề là Việt Nam có hấp dẫn được nguồn vốn đó hay không?
Những doanh nghiệp có chiến lược linh hoạt gắn với phát triển bền vững sẽ có khả năng tự phát hành trái phiếu xanh hoặc tiếp cận các nguồn vốn quốc tế chứ không chỉ trông chờ vào tín dụng của ngân hàng. Do đó, doanh nghiệp phải coi quản trị xanh là chính từ nội tại của doanh nghiệp chứ không phải là cơ chế của nhà nước. Bởi đây là điều kiện cần thiết và kiên quyết để hấp dẫn được nguồn tài chính xanh.
Chủ tịch VIOD nêu thực tế rằng nhiều doanh nghiệp hiện quản trị "chưa tới", không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều cần một hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả, bền vững. Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu hoạt động hiệu quả, quản trị chuyên nghiệp cũng đều có thể huy động vốn.
Việc thiếu minh bạch trong công bố thông tin, thiếu cắt lớp để quản trị rủi ro là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu chứ không phải do các quy định của Nhà nước.
Không chuyển đổi xanh, doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ nguồn vốn lớn
Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cũng cho rằng đa phần doanh nghiệp hiện vẫn chưa nắm được các thông tin liên quan đến chuyển đổi xanh nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đối với nguồn vốn đặc biệt này.
“Trong gần hai năm qua, nhóm các doanh nghiệp đã xác định chiến lược và có mô hình chuyển đổi xanh là rất ít. Còn lại phần lớn công ty đang trong tình trạng lo âu, không biết bắt đầu từ đâu để làm”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy chia sẻ.
Không chỉ doanh nghiệp gặp khó, bản thân các tổ chức tín dụng cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề. Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB cho biết danh mục phân loại xanh quốc gia hiện vẫn chưa có khung pháp lý để làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng huy động vốn và cấp tín dụng xanh.
“Ngoài ra, các dự án đầu tư xanh cần thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao. Do vậy, các tổ chức tín dụng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn để cho vay. Trong khi đó, chúng ta vẫn thiếu cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn dài hạn, ưu đãi”, ông Phạm Như Ánh cho biết thêm.
Theo ước tính của IFC, để đạt được mục tiêu kép là thu nhập cao và trung hòa carbon, Việt Nam cần đầu tư 6,8% GDP mỗi năm từ nay đến năm 2040. Con số này tương đương 368 tỷ USD. Trong đó, một nửa khoản đầu tư này dự kiến do khu vực tư nhân gánh vác.
Ông Darryl James Dong, Kinh tế trưởng, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam cần huy động mọi nguồn vốn sẵn có và triển khai các công cụ tài chính sáng tạo nhất của thị trường, bao gồm trái phiếu xanh, trái phiếu liên kết bền vững, vốn đầu tư thông minh về khí hậu và các công cụ trung gian.