Nhìn lại quá khứ, ông Dominic Scriven chia sẻ ban đầu chưa từng nghĩ sẽ có một hành trình dài 30 năm như vậy tại đất nước hình chữ S.
“Khi lập công ty, không bao giờ có còn đường thẳng, lúc nào cũng lên xuống lên xuống. Trong ngành của chúng ta (quản lý quỹ - PV), có lúc thị trường xanh (lên), nhưng cũng có lúc thị trường xuống, khó khăn và thách thức. Dragon Capital thành lập năm 1994, qua 1995 có quỹ đầu tiên vì thấy năm 1996 Việt Nam sẽ mở thị trường chứng khoán song không ngờ lại gặp khủng hoảng kinh tế châu Á. Nhưng, công ty không thể ‘chạy vội’.
Dragon Capital đã có 3 - 4 năm khó khăn. Thay đổi tỷ giá, thị trường bất động sản, ngân hàng cũng khó khăn... đến năm 2000. Khi đó công ty đã qua 6 năm mới bắt đầu phục hồi một chút những khoản lỗ.”, người đứng đầu Dragon Capital chia sẻ tại The Investors.
Khi được hỏi về thành công tại Việt Nam, vị lãnh đạo Dragon Capital khiêm tốn muốn thay đổi cụm từ “thành công” sang “tồn tại”. Bởi theo ông, trên thị trường này, ai cũng từng “bị thương, gặt hái những thú vị, rồi chịu sức ép”.
“Nói tự hào thì cũng có tự hào nhất định. Niềm tự hào là tôi luôn động viên anh chị em (cán bộ nhân viên - PV), phát triển văn hóa doanh nghiệp để có công ty Dragon Capital như hiện nay. Tôi gọi đây là một nền tảng. Nếu sau này không còn sức làm tiếp thì tôi để lại nền tảng đó coi như là một định chế tương đối để phục vụ cho thị trường, là một phần của thị trường. Đó là việc lớn nhất.
Còn việc bảo vệ vốn của nhà đầu tư, cạnh tranh với các quỹ khác, hay có kết quả đầu tư khả quan thì ai cũng mong muốn có thành quả. Hành trình nghĩa là vẫn tiếp tục. Đôi lúc mình tham gia hoặc hoặc không tham gia, nhưng mình để lại một cái gì đó kiến tạo cho tương lai”, ông Dominic Scriven bộc bạch.
Nói về câu chuyện đi huy động vốn, ông Dominic Scriven cho biết ban đầu chưa có ý định lập quỹ tại Việt Nam. Lúc đó ông cũng đang làm ngành quỹ tại Hong Kong (Trung Quốc) và theo dõi các thị trường mới ở khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Thái Lan...
Ông chia sẻ thời điểm 40 năm trước, nhà đầu tư nước ngoài gần như không có khái niệm đầu tư vào Trung Quốc, chỉ có các thị trường xung quanh (nêu trên).
Cơ duyên xảy đến khi có một đoàn tham quan đến Việt Nam vào năm 1990. Lúc đó tình hình còn khó khăn khi Việt Nam có luật cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng chưa có luật cho công ty. Điều này dẫn đến vai trò của nhà đầu tư tài chính nước ngoài là rất không rõ ràng.
Tuy nhiên, ông đã bị cuốn vào Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Sau đó, ông đăng ký học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để học tiếng Việt, đồng thời nghiên cứu một chút về Việt Nam. Như đã đề cập, sau đó đến 1994 ông đã lập nên Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital.
Bàn về yếu tố hiện tại, một câu chuyện nổi lên là khối ngoại bán ròng hơn 60.000 tỷ đồng (khoảng 2,4 tỷ USD) từ đầu năm. Theo ông, điều này do tác động cả bên trong và bên ngoài. Bối cảnh thế giới cũng đang đầy thách thức, thậm chí là nỗi lo. Thông thường, khi nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy sự, rủi ro, hành động của họ là bán, đem tiền về nước cho an toàn.
Ngoài các vấn đề địa chính trị đã và đang diễn ra, một vấn đề nữa là bong bóng tài chính, nhất là ở các nước phát triển 10 năm gần đây liên tục in ra tiền. Hệ lụy là nợ công, nợ tư, lạm phát, giá đất, chi phí sinh hoạt tăng... Điều đó làm chiến lược đầu tư của các quỹ trên thế giới phải xem xét lại.
Vấn đề nữa là một số nhà đầu tư chưa hiểu về Việt Nam. Ông khuyến nghị thị trường cần làm tốt hơn công tác thông điệp đối với giới đầu tư nước ngoài. “Với giới đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam là số 1, không ai cạnh tranh nỗi. Indonesia mơ có sức cạnh tranh như Việt Nam, hay Ấn Độ, Bangladesh. Tuy nhiên với nhà đầu tư tài chính, tôi cho rằng chúng ta cần đầu tư hơn nữa”, ông nói.
Đối với Việt Nam, theo dõi 80 công ty lớn chiếm khoảng 80% vốn hóa thị trường chứng khoán cho thấy hai năm nay không tăng trưởng lợi nhuận (2022-2203). Khi một thị trường không tăng trưởng lợi nhuận, nhà đầu tư sẽ bỏ đi. Đó cũng là yếu tố lớn tác động đến tầm nhìn của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, điều thú vị là nhà đầu tư trong nước lại mua vào.
Hiện tại, ông thừa nhận Dragon Capital cũng gặp những thách thức, tình hình 2 - 3 năm nay hơi khó khăn. Về bên ngoài là sức ép giảm phí, sức ép cạnh tranh vô cùng lớn. Cùng với đó là những thách thức nội tại.
Dù vậy, theo ông đánh giá, phần lớn khó khăn đã nằm phía sau chu kỳ vừa qua. Sau hai năm 2022 - 2023 các công ty niêm yết không tăng trưởng lợi nhuận, người đứng đầu quỹ ngoại cho rằng 2024 sẽ phục hồi. Khối phân tích của Dragon Capital kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận của nhóm 80 công ty đạt 18% năm nay.
“Đây là con số cá nhân tôi rất thích, vì đã bị hai năm thất vọng (không tăng trưởng), nên phải ép họ (nhà đầu tư nước ngoài) xem xét lại. Cơ bản là mặt bằng các doanh nghiệp niêm yết đã hồi phục, tuy nhiên tốc độ giữa các ngành là khác nhau”, ông nói.
Yếu tố nữa là vĩ mô, khi các con số chỉ tiêu, nhân sự cho thấy Việt Nam đang mạnh lên, ổn định lên từ điều hành đến động lực phát triển.
Chia sẻ về câu chuyện đầu tư, ông nhìn nhận thị trường Việt Nam đã dạy mình nhiều thứ. Cách đây vài năm Dragon Capital đã tìm kiếm các khách hàng nội địa. Các yếu tố nhà đầu tư trong nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất là thanh khoản, lãi cao hơn gửi tiền ngân hàng, khả năng chịu lỗ, và nghe ý kiến từ bạn bè. “Tôi cũng hay khuyên nhà đầu tư là theo 4 yếu tố đó”, ông nói.
Hiện tại chứng khoán Việt Nam có thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu, theo ông đều xứng đáng được sự quan tâm, nhìn nhận, nghiên cứu của nhà đầu tư Việt Nam. Và trước khi tham gia cần xác định rõ khẩu vị rủi ro của mình.
Ông Dominic Scriven không đồng ý với quan điểm nhà đầu tư ngắn hạn là nhà đầu cơ. Ông cho rằng mỗi thị trường thì có mỗi kiểu nhà đầu tư. 1 triệu hay 1 tỷ cũng là nhà đầu tư, mỗi người có khẩu vị đầu tư, khẩu vị rủi ro khác nhau.