Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng diễn ra cách đây ít ngày.
Nhấn mạnh mục tiêu này, Thủ tướng cho rằng những mất mát, thiệt hại do siêu bão Yagi là một tham số cần phải tính đến, song Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn yêu cầu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cả năm khoảng 7%.
Siêu bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong hàng chục năm trở lại đây với sức tàn phá rất ghê gớm. Ứớc tính bão Yagi gây thiệt hại 40.000 tỷ đồng cho các địa phương miền Bắc, trong đó riêng tỉnh Quảnh Ninh chiếm gần 50%, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bão số 3 và hoàn lưu sau bão ảnh hưởng tới 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa. Các địa phương này chiếm trên 41% GDP và 40% dân số cả nước. Hải Phòng - một trong 2 địa phương bị bão Yagi "càn quét" - chịu thiệt hại 10.820 tỷ đồng, bằng 1/10 tổng thu ngân sách toàn thành phố năm 2023. Quảng Ninh - nơi tâm bão đi qua - thiệt hại khoảng 23.770 tỷ đồng.
"Tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP quý III có thể giảm 0,35%, quý IV hạ 0,22% so với kịch bản không có bão Yagi. Tính chung cả năm, GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,7 - 7% đưa ra trước đó.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng cho rằng GRDP năm nay của nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... có thể giảm trên 0,5%.
Những tác động của cơn bão này đối với kinh tế năm nay chắc chắn là không nhỏ, theo tính toán của các chuyên gian GDP năm nay thấp hơn 0,15% so với kịch bản trước đó.
"Tuy nhiên, dù có thách thức, càng phải nỗ lực hơn để quyết tâm đạt tăng trưởng 7%", Thủ tướng nói. Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu nhanh. chóng ổn định tình hình nhân dân về tinh thần và vật chất; khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát và phấn đấu tăng trưởng GDP đạt mục tiêu 7%.
Thủ tướng cũng chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, mà trước hết là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình địa phương; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng…
Mục tiêu tăng trưởng thách thức hơn do bão Yagi
Theo các chuyên gia nền kinh tế chắc chắn sẽ chịu nhiều tác động hậu cơn bão Yagi, song thách thức không quá lớn và vẫn có thể ổn định kinh tế vĩ mô nửa cuối năm, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên , Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng phân tích tại Toạ đàm trực tuyến Data Talk số tháng 9 rằng kinh tế Việt Nam đang ngày càng thể hiện những lợi thế của Việt Nam thể hiện rõ rệt hơn, tăng trưởng IIP trên 8%, PMI trên 50 điểm liên tiếp trong nhiều tháng,...
Các mặt hàng xuất khẩu mạnh của Việt Nam như: Thép, ô tô, đường,... tăng trưởng khá mạnh, PMI của Việt Nam cũng nằm trong top cao của ASEAN cho thấy đơn hàng vẫn tích cực trong thời gian tới, tăng trưởng sản xuất sẽ được duy trì.
Trong tháng 8, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 38 tỷ USD, nghĩa là mỗi ngày Việt Nam xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, thặng dư thương mại tháng 8 cũng lên tới 4 tỷ USD. Đây là những điểm rất tích cực đối với kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, cơn bão Yagi cũng sẽ tác động lên giá cả lương thực bởi miền Bắc là khu vực sản xuất lương thực, thực phẩm lớn. Hiện hiện tích hoa màu bị thiệt hại rất lớn sẽ gây áp lực thiếu hụt nguồn cung lương thực vào cuối năm, đẩy mặt bằng giá cả hàng hoá thiết yếu thời gian tới lên cao trong vòng 2 - 3 tháng tới.
Dù vậy, với việc giá dầu giảm mạnh, lạm phát vẫn có thể nằm trong tầm kiểm soát dưới 4,5% mà Chính phủ đề ra, vị chuyên gia từ Chứng khoán Phú Hưng phân tích.
Còn tại chương trình WeTalk “Đầu tư gì cuối năm 2024?” diễn ra ngày 15/9, ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc điều hành AFA Capital, đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (VWA) cho biết, các tỉnh có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn tại miền Bắc đều bị ảnh hưởng đáng kể bởi bão Yagi và lũ lụt sau bão.
Một số cấu phần sản xuất và FDI có thể sẽ chậm lại do tác động của thiên tai. Xu hướng FDI đăng ký có dấu hiệu chậm lại, và cần có thời gian để các tỉnh thành phía Bắc khắc phục thiệt hại sau bão.
Cùng với đó, nền kinh tế cũng đang đối diện với rủi ro về lạm phát từ phía cung, đặc biệt là trong các lĩnh vực lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng sau bão Yagi. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ để duy trì đà phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt là sau khi phải chịu nhiều tổn thất do các thiên tai trong thời gian gần đây.
Khoanh nợ, giãn nợ ngay với các doanh nghiệp thiệt hại do bão
Theo các chuyên gia, sau bão Yagi, nhiều doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề, nhất là tại Quảng Ninh và Hải Phòng. Vì vậy, chính sách cần triển khai ngay là khoanh nợ, hỗ trợ cho vay và giảm lãi suất; và chính sách tài khóa liên quan đến miễn giảm hoãn các loại thuế.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ trực tiếp cho những hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh phục hồi sau lũ. Chính phủ cũng có thể tiếp tục kéo dài gói hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% để người dân và doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong tiêu dùng và mở rộng thị trường.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay, Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp.
Với Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng....
Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí; Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...
"Phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm thu ngân sách, cung ứng xăng dầu, điện nước...Đồng thời, tập trung làm mới ba động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình địa phương; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để đạt mục tiêu tăng trưởng", Thủ tướng nêu rõ.