"Với lãnh đạo cấp cao, lương thưởng không phải mục tiêu", đây là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) trong một buổi họp với nhà đầu tư năm ngoái.
"Ở lãnh đạo cấp cao, họ chiến đấu cho sự thành công. Với Thế Giới Di Động, khi thành công lộ diện thì công ty luôn có chính sách để chia sẻ cho người tạo ra nó, tức là “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Thành ra đội ngũ lãnh đạo của tập đoàn biết rất rõ và có niềm tin vào điều đó nên chưa có ai đề cập tới lương bổng. Bao nhiêu năm nay, chưa có ai gặp tôi để xin tăng lương bởi khi tạo ra thành quả thì sẽ được chia sẻ”, người đứng đầu MWG nói thêm.
Thực tế, không hiếm lãnh đạo cấp cao tại các công ty niêm yết không nhận lương. Đơn cử như ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) hay tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (Mã: MSN) cùng các thành viên HĐQT cũng không nhận thù lao.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT CTCP FPT (Mã: FPT) cùng hai người sáng lập kiêm thành viên HĐQT tập đoàn là ông Đỗ Cao Bảo và ông Bùi Quang Ngọc cũng nhận lương 0 đồng nhiều năm qua.
Ngoài việc nhận được thù lao, lương, thưởng thì các lãnh đạo doanh nghiệp có thể được mua ESOP với giá ưu đãi hoặc nhận cổ tức tiền mặt nếu nắm giữ cổ phiếu.
Khối tài sản của các lãnh đạo có thể gia tăng mạnh sau các đợt phát hành ESOP khi được mua cổ phiếu với mức giá chỉ bằng 1/2, 1/3 hoặc chỉ bằng 1/10 giá cổ phiếu trên sàn. Thậm chí có đơn vị chào bán ESOP 0 đồng cho lãnh đạo cấp cao (Đất Xanh, LDG,...)
Chính sách ESOP nhiều năm qua đã trở thành chủ đề gây tranh cãi giữa cổ đông và ban lãnh đạo.
Việc phát hành ESOP, nếu nhìn mặt tích cực, sẽ làm tăng vốn điều lệ công ty, khích lệ tinh thần cống hiến của người lao động. Tuy nhiên, phát hành thêm cổ phiếu cũng đồng nghĩa với việc cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ bị pha loãng, ảnh hưởng phần nào đến lợi ích của các cổ đông.
Nhộn nhịp mùa ESOP
Cuối tháng 8, HĐQT của FPT đã công bố danh sách 226 cán bộ nhân viên được mua hơn 7,3 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp, chưa bằng 8% giá cổ phiếu FPT trên sàn (133.000 đồng/cp chốt phiên 13/9).
Các cán bộ nhân viên được mua số ESOP có cấp bậc Level 4 (tương đương chuyên gia và trưởng phòng). Cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm.
Người được mua nhiều nhất với số lượng 277.852 cổ phiếu, tương đương giá trị thị trường khoảng 37 tỷ, còn người được mua ít nhất cũng gần 3.000 cổ phiếu.
Ngoài ra, HĐQT cũng quyết định triển khai Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 về việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ cấp cao.
Cụ thể, FPT sẽ phát hành hơn 3,3 triệu cổ phiếu, tương đương 0,22% số cổ phiếu đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cp cho 7 cán bộ cấp cao.Số cổ phiếu chào bán cho cán bộ cấp cao sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 10 năm.
Trong đó có ba lãnh đạo được mua lượng mua cổ phiếu nhiều nhất là 920.000 cổ phiếu gồm ông Phạm Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT; ông Lê Hồng Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH FPT Smart; ông Đặng Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm FPT.
Nếu tính theo giá trị thị trường, 920.000 cổ phiếu trên tương đương với giá trị khoảng 120 tỷ đồng.
Ngoài FPT thì MWG và CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) cũng là hai đơn vị duy trì chính sách ESOP nhiều năm qua.
Về MWG, doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch năm qua nên không có kế hoạch thưởng ESOP. Với PNJ, doanh nghiệp vừa công bố danh sách 181 cán bộ nhân viên được tham gia trong đợt phát hành 3,34 triệu cổ phiếu ESOP. Giá chào bán là 20.000 đồng/cp, chỉ bằng 1/5 giá cổ phiếu PNJ trên sàn.
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT của PNJ được mua lượng cổ phiếu lớn nhất (264.100 cổ phiếu), tiếp đó là ông Lê Trí Thông - Tổng Giám đốc được mua 205.100 cổ phiếu. Ước tính giá trị thị trường số cổ phiếu này khoảng trên 20 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) đã công bố danh sách 47 cán bộ nhân viên được tham gia đợt phát hành 8 triệu cổ phiếu ESOP. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, chưa bằng một nửa giá cổ phiếu GEX trên thị trường.
Ông Nguyễn Trọng Hiền - Chủ tịch HĐQT của Gelex, ông Lê Bá Thọ - Phó Chủ tịch HĐQT, ông Lương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch, ông Đậu Minh Lâm - thành viên HĐQT đã hoàn tất cùng mua một lượng 800.000 cổ phiếu trong đợt chào bán. Số cổ phiếu này có giá trị thị trường trên 16 tỷ.
Hay Tập đoàn Masan (Mã: MSN) đã chào bán 7,5 triệu cổ phiếu ESOP cho gần 100 cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cp, bằng 1/7 giá cổ phiếu trên thị trường. Ông Danny Le - Tổng Giám đốc tập đoàn đã hoàn tất mua lượng cổ phiếu lớn nhất (164.185 đơn vị) trong đợt chào bán, tương giá trị thị trường khoảng 12 tỷ.
Đại diện ông lớn ngành chăn nuôi là CTCP Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC) cũng đã hoàn tất chào bán 12 triệu cổ phiếu ESOP cho các lãnh đạo tập đoàn và công ty con với giá 10.000 đồng/cp, bằng 1/3 giá trên sàn.
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT được phân phối lượng cổ phần lớn nhất (2 triệu cổ phiếu) ứng với giá thị trường khoảng 58 tỷ và đã hoàn tất giao dịch.
Ở ngành chứng khoán, chính sách ESOP cũng được nhiều đơn vị duy trì nhằm giữ chân nhân tài như Chứng khoán SSI (Mã: SSI), Chứng khoán Vietcap (VCSC - Mã: VCI),...
Năm nay, SSI phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp, chưa bằng 1/3 thị giá cho 250 cán bộ nhân viên. Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng và cũng là người được phân phối nhiều nhất, đã mua 1 triệu cổ phiếu ESOP tương đương giá trị thị trường hơn 30 tỷ.
Còn với Vietcap, công ty chứng khoán này chào bán hơn 4,4 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng, bằng 1/3 giá cổ phiếu trên sàn cho 142 người.
Cổ đông không đồng tình chính sách ESOP
Cuối năm ngoái, HĐQT CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) muốn huỷ bỏ phương án phát hành ESOP và chuyển đổi thành phương án thưởng bằng tiền cho cán bộ nhân viên.
Imexpharm đề xuất thưởng bằng tiền mỗi năm trong 3 năm cho cán bộ chủ chốt từ quỹ khen thưởng phúc lợi. Chương trình tiền thưởng sẽ có cơ chế điều chỉnh gắn một phần với mức tăng trưởng lợi nhuận của công ty. Giá trị tiền thưởng cơ sở dự kiến hơn 200 tỷ đồng.
Song tới tháng 7, Imexpharm công bố chỉ giữ chính sách thưởng bằng tiền nhân sự chủ chốt trong năm 2024 và bắt đầu chính sách thưởng bằng cổ phiếu trong giai đoạn 2025 - 2026 cho phần chưa trả theo cam kết (gần 2,24 triệu cổ phiếu).
Imexpharm thông tin muốn huỷ bỏ phương án trả thưởng bằng tiền và thay bằng ESOP để đảm bảo nguồn tiền cho hoạt động đầu tư và mở rộng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ESOP sẽ hiệu quả về thuế hơn cho với trả thưởng tiền mặt cho cả Imexpharm và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do chương trình ESOP diễn ra sau đợt chào bán cổ phiếu với tỷ lệ 1:1 nên số cổ phiếu ESOP dự kiến chào bán sẽ tăng lên gần 4,48 triệu cổ phiếu, tương đương 2,9% số cổ phần đang lưu hành còn giá phát hành sẽ giảm xuống một nửa còn 5.000 đồng/cp, chưa bằng 7% giá cổ phiếu hồi đầu tháng 7.
chỉ có 28,88% số lượng cổ phần thông qua, trong khi có 70,85% số cổ phần không có ý kiến và 0,27% phản đối. Do đó việc quy đổi trả thưởng bằng tiền sang ESOP đã không được thông qua.