10 tuổi phải đi ở với chú thím vì cha mẹ không còn
Tôi sinh ra ở vùng nông thôn thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Khi mới 10 tuổi, bố mẹ tôi qua đời trong một vụ tai nạn. Do ông bà nội sức khỏe không tốt nên tôi được gửi đến sống với chú thím.
Nỗi đau mất cha mẹ chưa nguôi ngoai, lại bị đưa đến một môi trường xa lạ, tôi trở nên rụt rè. Ngay ngày đầu, thím đã đưa cho tôi một loạt quy tắc khi sống cùng. Ví dụ mọi đồ đạc sau khi lấy đi phải trả lại đúng chỗ cũ; rác phải phân loại trước khi bỏ vào thùng; đồ đạc trong phòng phải tự dọn dẹp… Tôi không được phép ra ngoài chơi khi chưa làm xong bài tập. Mỗi tuần, cả nhà có một ngày dọn dẹp cùng nhau và tất cả các thành viên phải tham gia.
Khi nghe xong những quy tắc này, nỗi sợ hãi của tôi về thím ngày càng lớn hơn. Ngay khi đó, chú tôi vỗ vai và an ủi: “Con còn bé phải trải nghiệm dần mới thích nghi được”. Lập tức, thím tôi cao giọng nói: “Nhà nào mà không có quy tắc. Ở đâu phải quen đấy. Quy tắc này áp dụng cho tất cả các thành viên trong gia đình. Nếu không muốn bị mắng thì cháu nên tuân thủ những nội quy đó”. Ngay khi nghe xong câu nói đó, tôi chỉ biết vâng lời và làm theo.
Sau 1 tuần ở nhà, tôi được thím đưa đi nộp đơn xin học. Tôi nhớ rằng mình được nhận vào học tại một trường cách nhà khoảng 20 phút đi bộ. Còn tận 5 ngày nữa mới nhập học, song ngày nào thím cũng đưa tôi đến đi để làm quen đường đến trường.
Đến ngày chính thức đi học, tôi dậy sớm để kịp giờ đi bộ đến trường. Ngay khi đeo balo và chuẩn bị đi giày, thím nói rằng tôi đợi chút để thím đưa đi bởi đây là ngày đầu đi học ở trường mới.
Cứ như vậy, suốt 3 năm đầu học ở trường mới thím đều đưa và đón tôi đi học về. Mỗi sáng, thím còn chuẩn bị bữa sáng và gọi tôi dậy đi học.
Sau khi đã quen với môi trường, tôi bắt đầu nhận ra thím tôi có vẻ ngoài khá lạnh lùng nhưng bên trong lại vô cùng ấm áp. Mặc dù thím luôn đặt ra hàng loạt các quy tắc nghiêm ngặt đối với một đứa trẻ 10 tuổi khi ấy. Song nhờ thế, tôi hình thành những thói quen tốt và dần nâng cao kỹ năng trong cuộc sống.
Khi tôi ốm, thím là người bón cho tôi từng thìa cháo. Khi bị bạn cùng trường bắt nạt, chính chú thím này đưa tôi đến trường để nói chuyện với giáo viên.
Những lúc bị điểm kém, tôi tưởng rằng sẽ bị mắng nhưng thím lại là người an ủi. Thậm chí dù đã mệt mỏi với công việc ở công ty, song mỗi lúc tôi có bài khó thím vẫn cố gắng tìm cách để giải giúp.
Theo thời gian, tôi lớn lên dưới bàn tay chăm sóc của chú thím. Tôi dần coi 2 người chính mà bố mẹ của mình.
Ép chia tay mối tình 3 năm để cưới người đàn ông lạ
Năm 18 tuổi, lần đầu tiên, tôi đi học đại học ở một thành phố xa lạ. Thím rất lo lắng cho tôi. Trong tháng đầu, hầu như ngày nào, chú thím cũng gọi điện để hỏi tôi đã quen được môi trường mới chưa, đồ ăn ở canteen có hợp khẩu vị không, bạn cùng lớp có bắt nạt không. Cho đến khi tôi nói mình ổn, chú thím mới thực sự thở phào nhẹ nhõm.
Đến năm thứ 2 sau khi tốt nghiệp đại học, chú và thím bắt đầu lo chuyện cưới xin của tôi. Khi đó, tôi đưa bạn trai, Lâm Viễn về ra mắt.
Tôi và anh gặp nhau vào năm cuối đại học. Tính đến thời điểm về gặp chú thím, mối tình của chúng tôi cũng kéo dài được 3 năm. Vì thế, chúng tôi xác định đi đến hôn nhân.
Dẫu luôn yêu thương và tôn trọng người cháu, tuy nhiên, lần này, chú thím ép tôi buộc phải chia tay bạn trai. Thím cho rằng bạn trai tôi có sự chênh lệch về trình độ học vấn, từ đó dẫn đến sự khác nhau về quan điểm sống, chắc chắn sẽ có mâu thuẫn trong tương lai.
Thấy tôi không chịu với lý do này, chú tôi lại đưa ra lý lẽ quê của Lâm Viễn quá xa. Mỗi dịp lễ Tết, chúng tôi sẽ phải vất vả.
Song với mối tình đã kéo dài 3 năm, tôi không thể chia tay anh ấy một cách dễ dàng như vậy.
Thuyết phục tôi không được. Ngày hôm đó, chú thím đã bắt tôi đứng trước di ảnh của bố mẹ để hứa rằng sẽ không kết hôn với người đàn ông đó. Thời điểm đó, tôi như một con rối, làm theo mọi sự chỉ đạo của chú thím.
Sau khi không kết hôn được với Lâm Viễn, thím mai mối tôi với 1 người đàn ông trong làng. Ở thời điểm đầu dẫu không có tình cảm nhưng tôi cũng cố gắng hòa hợp rồi thành một đôi.
Sau nhiều năm trôi qua, người chồng mới luôn yêu chiều và tôn trọng tôi. Chúng tôi cũng sinh con và trở thành một gia đình hạnh phúc. Dẫu vậy tôi vẫn có 1 ác cảm với người thím của mình.
Mãi cho đến ngày tổ chức sinh nhật thím tròn 60 tuổi, tôi mới hiểu chuyện gì đã diễn ra. Hôm đó, tôi được thím gọi về để ăn cơm. Đang lúc đứng ngoài cửa, tôi bất ngờ nghe được toàn bộ câu chuyện của thím với bà nội.
Hóa ra chú thím biết tôi yêu Lâm Viễn trước khi dẫn anh về ra mắt. Tình cờ, thím đã gặp anh ta âu yếm với người phụ nữ khác trong khoảng thời gian yêu tôi. Thậm chí, thím tôi từng hẹn gặp anh ta để hỏi rõ mọi chuyện. Bất ngờ, người đàn ông này cho biết anh ta đến với tôi không phải vì tình cảm. Mục đích duy nhất là để chiếm đoạt khoản tiền mà bố mẹ thừa kế lại cho tôi.
Do không muốn cháu gái đau khổ nếu biết được sự thật này, chú thím đã sử dụng nhiều biện pháp để ép tôi phải chia tay người đàn ông đó.
Sau khi hiểu ra mọi chuyện, tôi đã đẩy cánh cửa và ôm chầm lấy người thím của mình. Hóa ra sau mỗi việc làm của thím đều là vì thương tôi.
Bài viết trên là lời tự bạch của Hương Lý (Trung Quốc) đang được nhiều người quan tâm trên nền tảng Toutiao.