Tài chính

Doanh nghiệp Việt Nam lần đầu xuất khẩu vải từ xơ chịu nhiệt, chống cháy

Vinatex ký kết bản ghi nhớ hợp tác sản xuất vải và trang phục chống cháy - Ảnh: Q.NAM

Vinatex ký kết bản ghi nhớ hợp tác sản xuất vải và trang phục chống cháy - Ảnh: Q.NAM

Chiều 15-3, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh vải và trang phục chống cháy giữa Vinatex và Tập đoàn Coats.

Với hợp tác này, Vinatex sẽ sản xuất và bán vải, quần áo chống cháy theo đơn đặt hàng độc quyền cho Coats và các chi nhánh trên toàn cầu. 

Coats sẽ chịu trách nhiệm về bản quyền công nghệ, chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm, thiết kế và phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ, bán hàng, quảng bá, tiếp thị và phân phối, cung cấp các mẫu vải và quần áo chống cháy. Tập đoàn này cũng cam kết phát triển vải chống cháy đảm bảo các sản phẩm có tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sản phẩm vải chống cháy được nghiên cứu, sản xuất theo quy trình công nghệ khép kín do Tập đoàn Coats chuyển giao tại Vinatex, từ xơ - sợi - dệt - nhuộm - hoàn tất - may đến khâu đóng gói, đáp ứng các tiêu chuẩn theo từng lĩnh vực ngành nghề.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Xuân Trình - giám đốc điều hành Vinatex - khẳng định thị trường Mỹ, Úc và châu Âu yêu cầu nghiêm ngặt về sản phẩm vải chống cháy. 

Với nền tảng hợp tác của Vinatex và Coats trong nhiều năm, hai doanh nghiệp đã mất thời gian gần một năm để nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm, thực hiện chuyển giao công nghệ. Đến nay, sản phẩm đã được chấp nhận và đạt tất cả các tiêu chuẩn khách hàng yêu cầu.

Gồm các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm: tiêu chuẩn OEKO - TEX 100; phê duyệt UL và liệt kê trên thư mục UL, quần áo bảo hộ, quần áo chống cháy, quần áo và thiết bị bảo hộ để chữa cháy rừng… 

Các sản phẩm vải chống cháy được sản xuất với hai dòng: từ xơ chịu nhiệt và từ hóa chất bao phủ vải để ngăn không cho nguồn nhiệt tiếp xúc với vật liệu bảo hộ. 

Sản phẩm này sẽ phục vụ cho bảo hộ lao động, trong các lĩnh vực như gò hàn, tia lửa điện, khai khoáng, môi trường dễ phát cháy… Nhà sản xuất sẽ phải mua bảo hiểm cho sản phẩm để đảm bảo chất lượng và an toàn khi sử dụng.

Cũng theo ông Trình, về năng lực sản xuất, Việt Nam là một trong ba nước xuất khẩu dệt may lớn thế giới, đã đáp ứng yêu cầu sản xuất may cho nhiều khách hàng lớn thế giới, song chưa có cơ sở sản xuất nguyên liệu phục vụ thị trường đặc biệt này. 

Vinatex sẽ tận dụng lợi thế này để hướng tới mục tiêu doanh thu xuất khẩu sản phẩm vải chống cháy trong 5 năm tới là từ 80 - 100 triệu USD cho mỗi năm. Trước mắt trong năm nay, Tập đoàn Vinatex đặt mục tiêu doanh thu cho sản phẩm này là 5 triệu USD.

Ông Soundar Rajan - tổng giám đốc ngành hàng vật liệu chuyên dụng Tập đoàn Coats - cho rằng hợp tác với Vinatex là bước đi quan trọng đầu tiên để định hướng phát triển lĩnh vực này. Bởi đây là phân khúc có tốc độ tăng trưởng nhanh có tiềm năng phát triển lớn trong thời gian tới. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm