Tài chính

Chính thức: Vingroup khởi công siêu cầu gần 20.000 tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu "xong trong 24 tháng"

Thủ tướng phát biểu tại lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu. Ảnh: VGP

Thủ tướng phát biểu tại lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu. Ảnh: VGP

Sáng nay (19/5), tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa). Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu gồm 4 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư khoảng 19.830 tỷ đồng.

Cùng dự lễ khởi công có Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và TP Hà Nội. Ngoài ra, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và ông Nghiêm Giới Hòa, nhà sáng lập Tập đoàn Thái Bình Dương, đại diện nhà thầu, cùng dự lễ khởi công.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội là chủ đầu tư. Nhà thầu thi công dự án này là liên danh Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc), Tập đoàn Vingroup và một số đối tác khác.

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, cầu Tứ Liên là công trình cầu vượt sông Hồng đầu tiên khởi công trong năm 2025.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TP đang tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ và tiến hành khởi công một loạt 6 công trình cầu lớn, để khởi công trong năm nay, chẳng hạn như cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (vành đai 4); cầu Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5); cầu Trần Hưng Đạo và cầu Vân Phúc.

Phát biểu và phát động lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng tới dự lễ khởi công trong không khí cả nước đang phấn khởi thi đua chào mừng, kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2025), chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nối tiếp sự thành công của chuỗi sự kiện khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

 - Ảnh 1.

Thủ tướng và các đại biểu dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu. Ảnh: VGP

Thủ tướng nhấn mạnh rằng, dự án cầu Tứ Liên sẽ góp phần giải quyết vấn đề giao thông của Hà Nội, kết nối giữa các khu vực của Hà Nội, kết nối vùng, kết nối quốc tế qua các sân bay Nội Bài và sân bay Gia Bình. Cùng với đó, dự án góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hà Nội từ 8% trong năm 2025 như mục tiêu đã đề ra, tạo không gian phát triển mới, gia tăng giá trị đất đai, phát triển kinh tế, nhất là dịch vụ, du lịch, văn hóa, giải trí tại khu vực phía bắc sông Hồng…

Thủ tướng đề nghị xây cầu Tứ Liên trong 24 tháng

Đặc biệt, đối với các nhà thầu thi công dự án cầu Tứ Liên, Thủ tướng yêu cầu không chỉ thực hiện đúng tiến độ mà phải vượt tiến độ.

Thủ tướng đề nghị, Ban Quản lý dự án phát huy trách nhiệm cao nhất, các nhà thầu nỗ lực rút ngắn thời gian thi công dự án xuống còn 24 tháng, cần tăng ca tăng kíp, vận dụng tất cả những gì hiện đại nhất trong ngành xây dựng cho công trình này để rút ngắn thời gian. Đồng thời nâng cao chất lượng, không đội vốn, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, không để tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, trên cơ sở ứng dụng các công nghệ, máy móc tiên tiến, hiện đại nhất.

Bên cạnh đó, Thủ tướng mong muốn cây cầu phải là một điểm nhấn kiến trúc, tạo cảnh quan đẹp, xứng tầm và tôn vinh Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các nhà thầu hợp tác chặt chẽ, tăng cường sử dụng nhân lực tại chỗ, nguyên vật liệu tại chỗ và tăng cường chuyển giao công nghệ hiện đại; các đơn vị tư vấn phát huy trách nhiệm, bám sát công trình để thực thi nhiệm vụ.

Thủ tướng cho biết, cầu Tứ Liên là công trình biểu tượng của Thủ đô. Do đó, về mỹ thuật nếu còn điều chỉnh được đến đâu thì phải điều chỉnh trong quá trình thi công, làm sao phải có sắc thái riêng và đẹp hơn cầu Nhật Tân.

Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương vào cuộc cùng TP Hà Nội khẩn trương xử lý các vấn đề phát sinh; nếu cần gì, vướng gì thì kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 - Ảnh 2.

Thủ tướng và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu. Ảnh: VGP

Cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài khoảng 11,5km, bắt đầu từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao vành đai 3 (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên). Theo đó, vị trí điểm đầu tại nút giao với đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ và điểm cuối tại nút giao với trục TC13, huyện Đông Anh.

Cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9 km, cầu chính dài 1 km, quy mô mặt cắt ngang (theo quy hoạch) bảo đảm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ. Cầu có nhịp chính bắc qua sông Hồng, nối liền bờ phía Tây sông Hồng dọc tuyến đường Âu Cơ - Nghi Tàm (thuộc địa phận các phường Yên Phụ, Tứ Liên, quận Tây Hồ) với bờ Đông sông Hồng (thuộc địa phận huyện Đông Anh). Trong đó, đường dẫn đầu cầu phía Nghi Tàm rộng 48 m, phía Đông Anh rộng 60 m, cầu chính Tứ Liên dây văng rộng 43 m (kết cấu dầm thép nhịp chính 500 m, trụ tháp cao 185 m), cầu đúc hẫng, cầu thép; 2 nút giao với đường Nghi Tàm và nút giao với đường Trường Sa, hầm chui và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hè đường, chiếu sáng, chiếu sáng kiến trúc, cây xanh…

Theo dự kiến, dự án được thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2027.

 - Ảnh 3.

Phối cảnh cầu Tứ Liên. Ảnh: ĐVTK

Công trình cầu Tứ Liên với thiết kế kiến trúc dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính và chiều cao trụ tháp lớn, sơ đồ dây đan chéo trên một mặt phẳng sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc. Sau khi hoàn thành vào năm 2027, cầu sẽ là một trong những công trình cầu biểu tượng của TP Hà Nội.

Việc đầu tư hoàn thành cây cầu Tứ Liên sẽ tạo thuận lợi kết nối Trung tâm TP Hà Nội với khu vực phía bắc, đông bắc sông Hồng, tỉnh Thái Nguyên, kết nối với Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia và tuyến đường từ sân bay Gia Bình về Trung tâm TP Hà Nội, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội của TP Hà Nội và Vùng Thủ đô.

 - Ảnh 4.

Sau khi hoàn thành, cầu Tứ Liên sẽ là công trình hiện đại mang tính biểu tượng của TP Hà Nội. Ảnh: ĐVTK


Các tin khác

7 nhóm thực phẩm tốt cho người cận thị

Chế độ ăn giàu vitamin A, C, E, lutein, zeaxanthin, kẽm, omega-3 và các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ võng mạc, làm chậm sự tiến triển của cận thị.

Gần 1000 nhà đầu tư cùng Sun Property khai mở “kiệt tác” Sun Costa Residence ở trung tâm du lịch Đà Nẵng

Mang trọn sắc xanh hiền hòa, thanh âm dịu êm và hơi thở sống động của biển Mỹ Khê vào khán phòng sự kiện “Mở kiệt tác, đón thịnh vượng” ngày 18/5, gần 1000 vị khách đã cùng Sun Property (thành viên Sun Group) mở “cánh cổng” phiêu du đến không gian sống tuyệt tác mang tên Sun Costa Residence – nơi ngắm biển khơi bất tận mỗi ngày, và cũng đón nhận dòng tiền sinh lời mỗi ngày giữa trung tâm du lịch Đà Nẵng.

5 thực phẩm giàu tryptophan giúp ngủ ngon

Tryptophan là loại axit amin thiết yếu mà cơ thể không tự sản xuất được, có thể bổ sung từ đậu nành, hải sản, sữa, đậu phộng giúp ngon giấc hơn.

Mờ mắt, đau đầu kéo dài coi chừng mắc u não

Đau đầu âm ỉ, dần bị mờ mắt nhưng đi khám mắt không phát hiện gì bất thường – đó có thể là dấu hiệu cảnh báo khối u tuyến yên đang âm thầm phát triển trong não. Nếu không phát hiện sớm, bệnh có thể gây mất thị lực vĩnh viễn, đe dọa tính mạng.