Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 (đang có hiệu lực), ngoài 2 chế độ hưu trí và tử tuất, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp: Đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia BHXH; Ra nước ngoài để định cư; Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), bên cạnh đề xuất bổ sung thêm chế độ thai sản thì chính sách BHXH một lần đối với người tham gia BHXH tự nguyện cũng có sự điều chỉnh.
Theo đó, đối tượng được hưởng BHXH một lần bao gồm: người đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng có thời gian đóng BHXH chưa đủ 15 năm mà không tiếp tục tham gia BHXH. Trường hợp người lao động không hưởng BHXH một lần thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng; Ra nước ngoài để định cư; Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, lao nặng, AIDS; Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Người khuyết tật đặc biệt nặng.
Ngoài các trường hợp trên, dự thảo cũng đề xuất 2 phương án giải quyết BHXH một lần, tương tự như với BHXH bắt buộc.
Phương án 1: Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của BHXH.
Liên quan đến 2 phương án nêu trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay qua lấy ý kiến người lao động, chuyên gia, Công đoàn các cấp có nhiều đề nghị nghiên cứu quy định theo phương án 2. Mục đích là đảm bảo quyền lợi về lâu dài cho người lao động, giữ họ ở lại lưới an sinh xã hội. Đây cũng là cơ hội để họ tiếp tục tham gia BHXH, quan trọng hơn là bảo đảm có lương hưu khi về già. Ngoài ra, phương án 2 còn đưa ra gợi ý về thiết kế hệ thống BHXH linh hoạt trong tương lai.
Cũng theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, thực tế nhiều người lao động không muốn tham gia BHXH do thời gian đóng quá dài, không được rút ra để có thêm một khoản thu nhập nào cho nhu cầu cá nhân, hộ gia đình. Vì vậy, trong tương lai, thiết kế BHXH nên cho phép người lao động có thể rút ra một phần thu nhập đã đóng góp để bảo đảm một số nhu cầu cá nhân…
Tuy nhiên, ở góc độ của đối tượng tham gia, ông Trần Tuấn Bắc (quận 12, TP HCM) cho rằng BHXH tự nguyện có đặc thù riêng và các quyền lợi hưởng cũng không bình đẳng với BHXH bắt buộc. Do vậy, khi thiết kế chính sách cần phù hợp với đối tượng. "Hiện nay, khi tham gia BHXH tự nguyện người tham gia chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí, tử tuất, tức khoản đảm bảo dành cho tương lai, không được hưởng các chế độ ngắn hạn như ốm đau, tai nạn, BHYT... Do vậy, người lao động tham gia BHXH tự nguyện với với suy nghĩ "bỏ ống heo" tiết kiệm để có khoản dùng khi về già. Nhưng nếu điều kiện hưởng quá khắt khe có thể họ sẽ nghĩ đến cách "bỏ ống heo" khác"- ông Bắc nói. Do vậy, theo ông Bắc, nên để người tham gia có quyền tự quyết về việc rút BHXH một lần.
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, cũng cho rằng không nên quy điều kiện hưởng BHXH một lần như BHXH bắt buộc đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Bởi lẽ, khi lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện nghĩa là người tham gia đã ý thức được về quyền lợi mà họ được hưởng. Tuy nhà nước có hỗ trợ 1 phần chi phí đóng, nhưng về bản chất phần lớn BHXH tự nguyện vẫn do NLĐ đóng. Khi quyết định rút BHXH một lần thì hoặc họ thật sự khó khăn cần có khoản tiền để trang trải hoặc xét theo điều kiện hoàn cảnh không thể tiếp tục tham gia. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện chế độ BHXH một lần đối với người tham gia BHXH tự nguyện sau thời điểm luật mới có hiệu lực. Đồng thời, xem xét cho họ được phép hưởng chế độ (100% thời gian đóng) khi có nhu cầu, không phải chờ sau 12 tháng không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện như dự thảo đề xuất.
Về mức hưởng BHXH một lần sẽ được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính 1,5 lần của mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 lần của mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; Bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 lần của mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH đối với trường hợp đóng BHXH chưa đủ 1 năm.