Công nghệ

Chiêu trò "bấm like, nhận trợ cấp 150.000 đồng tiền điện"

Vài ngày qua, một số người dùng Zalo nhận được tin nhắn từ người tự nhận là từ công ty điện lực, nói về tình trạng thiếu điện và cho biết công ty "đang cần gấp nhóm tình nguyện viên để lan tỏa tinh thần tương thân tương ái".

"Chỉ cần like trang web chính thức của Tổng công ty Điện lực Việt Nam là có ngay trợ cấp tiền điện 150.000 VND", tài khoản này nói về chương trình. Nếu đồng ý, người dùng được yêu cầu có một smatphone và cung cấp một tài khoản ngân hàng để nhận tiền.

Sau đó, tài khoản gửi cho người dùng một đường link lạ, ví dụ xlink..., đề nghị truy cập để làm nhiệm vụ.

Đoạn tin nhắn Zalo giữa đối tượng lừa đảo với khách hàng do Tổng công ty

Đoạn tin nhắn Zalo giữa kẻ mạo danh với người dùng. Ảnh: Tuấn Hưng

Theo chuyên gia bảo mật, đây thực chất vẫn là chiêu tuyển cộng tác viên online phổ biến thời gian qua. Trong trường hợp này, kẻ gian sẽ thay đổi kịch bản, lợi dụng tình trạng thiếu điện để lấy lòng tin từ người dùng. Người tham gia sau đó được yêu cầu làm nhiệm vụ, với lời dụ dỗ nạp càng nhiều tiền nhận "hoa hồng" càng cao. Tuy nhiên, khi muốn rút tiền, họ sẽ bị bắt nộp một khoản tiền lớn và mới nhận ra mình đã bị lừa.

Website Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (NPC) cho biết ngành điện hiện không tuyển dụng tình nguyện viên, cộng tác viên qua ứng dụng chat hoặc nhắn tin đến khách hàng từ bất kỳ tài khoản, số điện thoại cá nhân nào. "Khách hàng không cung cấp thông tin cá nhân, không truy cập vào đường link lạ khi nhận được tin nhắn như trên", website cảnh báo.

Thời gian qua, tình trạng mạo danh nhân viên ngành điện, website công ty điện lực xuất hiện nhiều, trong bối cảnh nhu cầu dùng điện tăng cao và thiếu điện do nắng nóng. Hồi tháng 5, nhiều người cũng phản ánh đã nhận được các cuộc gọi từ người tự nhận là nhân viên công ty điện lực, thông báo họ "bị cắt điện trong vòng hai giờ", hoặc đang vi phạm ở một hợp đồng về điện nào đó. Người nghe sau đó bị yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để điều tra.

NPC khẳng định chỉ cung cấp thông tin qua các kênh gồm tin nhắn định danh, các trang chính thức và email của trung tâm chăm sóc khách hàng. Người dùng trong trường hợp nghi ngờ có thể gọi lên tổng đài của công ty để được giải đáp và xác minh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm