Báo cáo chiến lược tháng 6 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chỉ ra, thị trường tháng 5 đã mang lại niềm hứng khởi cho không ít nhà đầu tư. Mặc dù chỉ số chỉ dao động trong biên độ hẹp, thanh khoản có tháng thứ hai liên tiếp cải thiện và tỷ lệ cổ phiếu tăng giá chiếm đến gần 80%.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có mức tăng giá tích cực theo chiều diễn tiến chính sách điều hành vĩ mô như là Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, câu chuyện Lô B – Ô Môn trở lại, hay Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành.
Trong khi đó, tình hình sản xuất và tiêu dùng khả năng sẽ tiếp tục kém khả quan trong quý II khiến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận mức tăng giá kém hơn.
Nhóm phân tích của Rồng Việt lưu ý rằng, các diễn tiến tích cực này diễn ra trên nền các thông tin hỗ trợ tích cực liên tục được đưa ra, mức sử dụng đòn bẩy còn đang rất thấp và bức tranh vĩ mô, đặc biệt trong quý II này, sẽ chưa có nhiều điểm sáng.
Với nhận định trên, VDSC cho rằng các chỉ số thị trường sẽ hướng đến chinh phục trở lại vùng đỉnh thiết lập vào đầu năm (1.100 điểm với VNIndex) trong tháng 6. Tuy nhiên, thiếu sự hậu thuẫn của nền tảng vĩ mô và dòng tiền từ NĐT nước ngoài, xu hướng trung hạn nhìn chung vẫn là tích lũy.
VDSC vẫn giữ quan điểm thị trường vẫn thuận lợi cho giao dịch mua – bán T+, song chưa phải là thời điểm tốt để “all in”. Và do đó, tháng 6 sẽ là cơ hội tái cơ cấu danh mục, đặc biệt cho những nhà đầu tư đã vô tình “đầu tư dài hạn”.
"Chúng tôi kỳ vọng nhà đầu tư đã có cơ hội tích lũy một tỷ lệ nhất định cổ phiếu cho mục tiêu trung – dài hạn trong giai đoạn vừa qua. Ngoài ra, ẩn số vĩ mô đã khiến nhóm cổ phiếu đầu ngành (với đại diện VN30) kém khả quan hơn so với các nhóm cổ phiếu còn lại.
Chúng tôi tin rằng với nền tảng kinh doanh bền vững, các doanh nghiệp này sẽ “bật dậy” nhanh chóng khi khó khăn qua đi. Do đó, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư có thể tiếp tục tích lũy các cổ phiếu thuộc nhóm này cho danh mục dài hạn".
Bên cạnh đó, giao dịch T+ sẽ tiếp tục diễn ra sôi động nhờ thanh khoản gia tăng giúp tâm lý nhà đầu tư có phần lạc quan hơn so với quý đầu năm. Nhà đầu tư có thể tận dụng cổ phiếu có sẵn trong danh mục để thực hiện giao dịch T+ nhằm tối ưu hiệu suất đầu tư của danh mục tổng thể.
Ngoài ra, cho giao dịch ngắn hạn, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu có kế hoạch chi trả cổ tức trong giai đoạn cuối quý II và nửa đầu quý III/2023. =
Cuối cùng, trên nền tăng trưởng kinh tế yếu của quý I/2023, câu chuyện phục hồi từ vùng trũng lợi nhuận sẽ được quan tâm khi mà các doanh nghiệp đang vào tháng kinh doanh cuối cùng của quý II/2023.
"Với chỉ số sản xuất và PMI không khả quan, chúng tôi không kỳ vọng sự bứt phá bất ngờ về tăng trưởng lợi nhuận trong quý II của doanh nghiệp, song chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp đi qua vùng trũng trong quý I mà vẫn có lợi nhuận dương thì có thể sẽ tiếp tục có quý II khả quan hơn mặt bằng chung, điển hình ở một số nhóm ngành như điện (HND, QTP), ngân hàng (ACB, MBB), dệt may (STK), dầu khí (PVD), và hàng không (ACV)".