Anh Nguyễn Trung (Hà Nội) là thành viên của cộng đồng những người thích lướt ván ở Việt Nam. Mới đây, anh cùng bạn bè có chuyến du lịch Hạ Long để chạy thử nghiệm ván lướt điện (tên tiếng Anh là efoil) vừa nhập về Việt Nam.
Không tận dụng sức đẩy của sóng biển hay sức kéo của cano như hầu hết các loại ván khác, ván lướt điện sử dụng một cấu trúc đặt cánh dưới mặt nước để tạo lực nâng thông qua một động cơ điện. Người lái sử dụng bộ điều khiển bluetooth cầm tay kết nối với động cơ điện và cánh quạt dưới nước. Khi lướt, người chơi sẽ có cảm giác bay lên cao so với mặt nước, mang lại trải nghiệm mới thú vị.
Dụng cụ lướt sóng này đã có ở nhiều nước trên thế giới từ năm 2018 nhưng phải đến năm ngoái thì ván điện mới thực sự phổ biến. Thường thấy nhất là những video ghi lại người lướt ván giữa biển trời mênh mông trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, Tiktok thu hút hàng triệu lượt xem. Cộng đồng mạng quốc tế, đặc biệt là người mê biển, thích tốc độ đều bày tỏ sự thích thú đối với bộ môn này.
Anh Trung cùng đồng đội đã có 4 năm chơi ván phản lực nên lại càng không thể cưỡng lại sức hút của ván lướt điện. Hiện tại, nhóm của anh có 3 chiếc ván điện, là một trong những dụng cụ đầu tiên nhập về Việt Nam. Anh Trung chia sẻ: “Tôi khá bất ngờ với dụng cụ này bởi loại ván mới không chỉ cân bằng 2 bên để đứng mà người chơi còn phải cân bằng độ cao của ván. Cái khó nhất khi sử dụng ván điện là khi chơi, động cơ điện vượt trên mặt nước và đáp xuống dưới sẽ dễ bị ngã”.
Ván điện có hai bộ phận là ván và động cơ bên dưới nên khá cồng kềnh, cần vận chuyển bằng ôtô đến vùng nước thích hợp. Tại đây, người chơi mới lắp đặt thân ván, pin, tay điều khiển, cột buồm, cánh quạt điện, cánh ngầm và bắt đầu “ra khơi”.
Ván điện được khởi động bằng công tắc nam châm và điều khiến bằng thiết bị không dây cầm tay.
Chiếc ván có phần mềm theo dõi quãng đường chơi trên ứng dụng của điện thoại thông minh. Pin lithium ion tiêu chuẩn IP68 của ván có thể chơi được 2 giờ liên tục và sạc nhanh trong vòng chưa đầy 2 giờ từ nguồn điện dân dụng.
Quy trình chơi ván lướt cũng cần tuân theo nhiều bước. Đầu tiên, người chơi phải nằm trên ván, sau đó quỳ và đứng dần lên. Ván có 24 số để điều khiển tốc độ, người chơi mới sẽ bắt đầu từ số 10 và sau đó tăng dần lên. Tốc độ tối đa của ván có thể lên đến 40 km/h và nếu người chơi đã thành thục, họ có thể biểu diễn nhiều động tác khó như nhảy trên mặt nước hay cưỡi sóng.
Trong nhóm chơi của anh Trung có doanh nhân Nguyễn Hoà Bình. Vị doanh nhân đang "biểu diễn" tư thế lướt ván dành cho người mới bắt đầu là nằm sấp để giữ thăng bằng.
Có một điểm cần chú ý đối với người chơi dụng cụ này đó là phải thông thạo địa hình khi chơi. “Vì những cột buồm (phần nối giữa ván và động cơ) có chiều dài từ 65-85cm nên đòi hỏi phải chơi ở vùng nước có độ sâu nhất định, tránh chơi quá gần bờ, nơi có rác trôi nổi. Nơi lý tưởng nhất để chơi efoil là biển và hồ”, anh Trung cho biết thêm.
Thú chơi ván lướt điện còn mới mẻ ở Việt Nam và giá tiền của ván cũng khá đắt đỏ. Theo chia sẻ của các chủ sở hữu ván điện, chi phí mua ván rơi vào khoảng 170 – 360 triệu đồng cho những phiên bản khác nhau hay những nhà sản xuất khác nhau trên thế giới. Sở dĩ ván có giá cao như vậy là do chất liệu carbon, xốp đặc biệt giúp giảm trọng lượng của ván, chỉ khoảng 35 kg. Đồng thời, pin chạy ván cũng được làm theo công nghệ không hề rẻ.