Xã hội

Chỉ số sản xuất công nghiệp tại TP HCM tăng cao nhất 4 năm

Tóm tắt:
  • IIP TP HCM 4 tháng đầu năm tăng 7,9%, cao nhất 4 năm nhờ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến và khai khoáng.
  • Số doanh nghiệp mới giảm 23,5%, vốn đăng ký giảm 52,3%, phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ.
  • Doanh thu dịch vụ và bán lẻ tăng mạnh nhờ chuỗi sự kiện lễ 30/4, tổng mức bán lẻ 4 tháng đạt 444.885 tỷ đồng.
  • Kim ngạch xuất nhập khẩu TP HCM dẫn đầu cả nước với 36,61 tỷ USD, nhập siêu 4,63 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm.
  • Thu ngân sách đạt 202.193 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 12%, nhiều công trình trọng điểm khởi công và khánh thành tháng 4.

IIP tăng 7,9%, cao nhất kể từ năm 2022

Chi cục Thống kê TP HCM cho biết tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục tăng trưởng trong tháng vừa qua khi các doanh nghiệp chủ động đẩy nhanh tiến độ sản xuất trước 90 ngày so với lịch đặt hàng nhằm hạn chế rủi ro, chi phí và thuế quan bất lợi.

Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 của TP HCM ước tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, IIP tăng 7,9% so với cùng kỳ, cao nhất trong 4 năm vừa qua.

Cụ thể, trong 4 tháng năm nay, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 12,1%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 2,2%.

IIP 4 tháng đầu các năm từ 2022 - 2025. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê TP HCM).

Doanh nghiệp tham gia thị trường tiếp tục giảm mạnh

Theo Chi cục Thống kê TP HCM, môi trường kinh doanh trên địa bàn thành phố vẫn chưa có chuyển biến tích cực khi số doanh nghiệp tham gia thị trường trong 4 tháng đầu năm giảm tới 23,5% và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 7,7%.

Tính từ đầu năm đến ngày 20/4, thành phố đã cấp phép đăng ký thành lập mới cho 10.375 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 61.484 tỷ đồng, giảm 34,6% về giấy phép và giảm 52,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Trong các doanh nghiệp mới thành lập trong 4 tháng đầu năm nay, có đến 82,4% doanh nghiệp hoạt động ngành thương mại - dịch vụ, 17,3% doanh nghiệp ngành công nghiệp – xây dựng và 0,3% doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Phân theo loại hình doanh nghiệp, có 91,2% đăng ký thành lập mới là công ty TNHH; công ty cổ phần chiếm 8,2% và doanh nghiệp tư nhân chiếm 0,6%.

Doanh thu dịch vụ tăng vọt nhờ chuỗi sự kiện dịp lễ 30/4

Chuỗi sự kiện Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước được triển khai với quy mô lớn trong tháng 4 vừa qua đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ người dân và du khánh, giúp tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại TP HCM tăng vọt. 

Cụ thể, tính riêng tháng 4, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố ước đạt 128.886 tỷ đồng, tăng 17,9% so với tháng trước và tăng 37,6% so với cùng kỳ. Luỹ kế 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 444.885 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

Trong 4 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hoá ước đạt 205.378 tỷ đồng, tăng 15,9%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 58.077 tỷ đồng, tăng 42,2%; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 15.770 tỷ đồng, tăng 38,2%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 165.660 tỷ đồng, tăng 17,1%.

Cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê TP HCM).

Kim ngạch xuất nhập khẩu dẫn đầu cả nước

Theo số liệu của Cục Hải quan, 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP HCM đạt khoảng 36,61 tỷ USD, cán cân thương mại nhập siêu 4,63 tỷ USD.

Cụ thể, trong 4 tháng, kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt 15,99 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 20,62 tỷ USD. TP HCM hiện dẫn đầu cả nước về cả kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu.

CPI tăng 4,21%, 8/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tăng giá

Chi cục Thống kê TP HCM cho hay việc giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giá nhà ở thuê, điện sinh hoạt tăng là những nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá (CPI) tăng 0,32% so với tháng trước và tăng 4,32% so với cùng kỳ năm 2024.

Bình quân 4 tháng năm nay, CPI tăng 4,21% với 8/11 nhóm có chỉ số giá tăng. Ba nhóm có chỉ số giảm là nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,67%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,17% và nhóm giao thông giảm 1,33%.

CPI bình quân 4 tháng đầu năm. (Nguồn: AM tổng hợp từ Chi cục Thống kê TP HCM).

Thu ngân sách đạt trên 200.000 tỷ đồng

4 tháng đầu năm nay, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước tại TP HCM ước đạt 202.193 tỷ đồng, bằng 38,9% dự toán và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 154.696 tỷ đồng, bằng 41,7% dự toán và tăng 3,7% so với cùng kỳ; thu dầu thô ước đạt 6.280 tỷ đồng, bằng 34,9% dự toán và giảm 14,6%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 41.215 tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán và tăng 7,5%.

Tình hình thực hiện thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm. (Nguồn: Chi cục Thống kê TP HCM).

Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 4 tháng đầu năm ước thực hiện 22.185 tỷ đồng, bằng 12,8% dự toán và tăng 20,5% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách địa phương ước thực hiện 6.500 tỷ đồng, bằng 8% dự toán và tăng 8,1% so với cùng kỳ; chi thường xuyên ước thực hiện 15.350 tỷ đồng, bằng 19% dự toán và tăng 27,4% so với cùng kỳ.

Tình hình thực hiện chi ngân sách 4 tháng đầu năm. (Nguồn: Chi cục Thống kê TP HCM).

Dư nợ tín dụng tăng 12%

Về hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố, tính đến ngày 30/4, tổng vốn huy động ước đạt 4,09 triệu tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn huy động bằng VND ước đạt 3,72 triệu tỷ đồng, tăng 16%; vốn huy động bằng ngoại tệ ước đạt 365.000 tỷ đồng, tăng 18,1%.

Đến hết tháng 4, tổng dư nợ tín dụng tại TP HCM ước đạt 4,02 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Phân theo loại tiền tê, dư nợ tín dụng bằng VND ước đạt 3,86 triệu tỷ đồng, tăng 12,2%; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ ước đạt 162.000 tỷ đồng, tăng 7,2%. Theo kỳ hạn tín dụng, dư nợ ngắn hạn ước đạt 1,92 triệu tỷ đồng, tăng 12,5%; dư nợ trung hạn, dài hạn ước đạt 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 11,5%.

Tổng vốn huy động và dư nợ tín dụng (phân theo loại tiền tệ) tính đến hết tháng 4. (Nguồn: Chi cục Thống kê TP HCM).

Nhiều công trình trọng điểm được khởi công và khánh thành

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, TP HCM đã khởi công và khánh thành nhiều công trình trọng điểm trong tháng 4 như: nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đoạn nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hoà; thông xe kỹ thuật đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án khép kín vành đai 2 TP HCM; xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè…

Đối với dự án tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật tại 12 vị trí nhà ga với tiến độ đạt hơn 35% kế hoạch. 

Tuy nhiên, tiến độ thi công dự án chưa đạt theo kế hoạch đề ra do thi công trong điều kiện mặt bằng chật hẹp; xử lý giao cắt với các công trình ngầm hiện hữu ngoài thiết kế; phát sinh trường hợp các hộ dân có phần diện tích công trình nằm trong ranh dự án; thiếu sự thống nhất, phối hợp của các đơn vị trong quá trình thi công. Dự án dự kiến giao mặt bằng sạch trong quý III và khởi công hạng mục chính vào tháng 12 năm nay.

Các tin khác

Nợ xấu ngân hàng tăng vọt trong quý đầu năm

Mặc dù nợ xấu tiếp tục tăng mạnh trong quý I nhưng dự phòng rủi ro lại không tăng tương xứng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu ngân hàng sụt giảm. Bộ đệm dự phòng rủi ro suy yếu có thể tạo ra áp lực trong những quý tiếp theo.

Giá vàng SJC giảm mạnh

Sáng nay (9/5), giá vàng trong nước giảm mạnh. Theo đó, vàng miếng SJC về quanh mốc 120 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đồng loạt tăng

Vào lúc 9h30 sáng nay (8/5), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 120,7 - 122,7 triệu đồng/lượng, tăng nửa triệu đồng/lượng so với trước giờ mở cửa phiên giao dịch.

3 tháng tới, 2 tuổi này dễ mua được nhà – chỉ cần giữ nhịp chi đúng 2 điều

Từ tháng 5 đến tháng 7/2025, một số con giáp bước vào giai đoạn vận tài chính vững – không phải kiểu “trúng lớn”, mà là gom dần – đủ lực – đủ điều kiện để chốt một khoản đầu tư lớn, đặc biệt là nhà ở. Nếu giữ đúng nhịp chi tiêu trong 2 việc quan trọng, khả năng mua được nhà là rất rõ ràng.

3 bất cập lớn về giá điện

Giá điện ở Việt Nam hiện gánh quá nhiều mục tiêu khiến khó thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, không tạo áp lực mạnh để thực hiện chiến lược sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ.