Video làm "Chuông gió con cò" của chàng trai 37 tuổi ở huyện Dương Minh Châu thu hút gần 40 triệu lượt xem. Điểm đặc biệt của tác phẩm này này là thiết kế sao cho mỗi cơn gió không chỉ làm những chiếc chuông bằng ống trúc phát ra âm thanh, còn tạo nên chuyển động của cò và cá như một màn đuổi bắt.
Tác phẩm "Hai chú ếch chơi bập bênh" của Dư được hơn 30 người đặt mua ngay khi video lên sóng. Dư lấy ý tưởng từ một mô hình ở Mỹ, sáng tạo thêm hai chú ếch chơi bắn bi trên hoa sen.
Anh kể, tác phẩm mất một tuần mới hoàn thành nhưng hai chú ếch không cân bằng được. Chàng trai phải suy nghĩ thêm bốn ngày, cuối cùng tìm ra giải pháp nằm ở một khúc gỗ.
Gần đây nhất là tác phẩm "Rùa hóa rồng" có chiếc đầu rồng với những sợi râu, răng nhọn làm từ gai tre, trúc và có thể cử động được. Bên trên là chiếc mai làm từ sọ dừa, cho cảm giác sống động như thật. Video được quay bên hồ nước đạt gần 5 triệu lượt xem, với hàng nghìn bình luận trầm trồ và ngợi khen.
"Đối với tôi, việc làm các tác phẩm này khó nhất ở khâu tìm nguyên liệu, còn ý tưởng, sự khéo léo, tỉ mỉ đã có sẵn", Lê Ngọc Dư, chủ kênh TikTok Chú Cuội DIY, có gần 500.000 người theo dõi, chia sẻ.
"Chú Cuội" vốn là tên thời nhỏ của Dư. Sinh ra trong gia đình đông anh em, thuở bé Dư và anh trai sinh đôi tên Hải thường tự bày trò chơi với nhau. Hải thích vẽ tranh, Dư giỏi nặn tượng.
Năm lớp 3, anh em Dư đi phân loại lông gà thuê cho một gia đình có nghề làm gà kiểng lông thật. Họ vốn giấu nghề song hai cậu bé có năng khiếu nên nhanh chóng học lỏm được.
Bà Vân (mẹ Dư) kể rằng ban đầu chiều con nên đi mua len chỉ, lông gà về "cho chúng nghịch". Không ngờ từ sản phẩm đầu tiên hai anh em đã cho ra sản phẩm sống động hơn người ta làm lâu năm. Từ nguyên tắc làm gà, hai cậu bé còn sáng tạo những con vật khác như vịt, chim, công với nhiều mẫu mã khác nhau, rồi truyền cho bà con xóm giềng. Bà Vân sau đó bỏ nghề bán bánh và chồng bỏ nghề thợ xây chuyển sang bỏ sỉ gà kiểng cho các khu vui chơi ở Đầm Sen, Suối Tiên (TP HCM).
"Nhờ hai anh em Dư mà tôi có nghề nuôi sống cả gia đình suốt 6-7 năm trời", bà Vân chia sẻ.
Hết lớp 10, cặp anh em sinh đôi lên thành phố học nghề, mỗi người mở được một tiệm tóc ở TP HCM. Công việc đang chạy tốt thì Covid-19 bùng phát, Dư phải phải đóng cửa tiệm, về quê. Trong những ngày giãn cách, chàng trai làm một cây cần câu cá giết thời gian. Anh sáng tạo ra chiếc cần gấp được từ các ống trúc. Điểm đặc biệt là tay cầm làm từ gốc trúc ngoằn ngoèo hình con rồng. Toàn bộ quá trình này được ghi lại đăng lên TikTok.
"Chẳng ngờ sáng hôm sau đã có triệu view", Dư kể. Người xem khen anh có năng khiếu và động viên ra thêm video. Thấy vui, Dư bắt đầu làm thêm các món đồ chơi khác hướng dẫn mọi người.
"Cứ đăng video là lên xu hướng", anh nói.
Từ lúc này Ngọc Dư mới biết cách kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội. Hai anh em quyết định đóng cửa một salon tóc, để lại một tiệm do Hải quản lý. Dư về hẳn quê làm nhà sáng tạo nội dung.
Chàng trai bắt đầu công việc từ các nguyên liệu quen thuộc như tre, trúc, dừa, với những đồ nghề là con dao, cây kéo, giấy nhám. Mãi sau này có điều kiện anh mới mua thêm máy khoan đục và đánh bóng.
Dư muốn giữ lại những nét đặc trưng của tre trúc, ít mài giũa nhất nên rất mất thời gian để sưu tầm nguyên liệu phù hợp. Diện tích rừng tre trúc ở Tây Ninh có hạn, Dư đặt mua thêm tre gai từ Bắc vào. Anh lựa từ đó ra những cây tre hình hài bị biến dạng do chen lấn nhau hoặc sống ở vùng đất cằn cỗi.
Đến nay Lê Ngọc Dư đã làm ra hàng trăm các tác phẩm. Những món đơn giản như con ong, con kiến bán giá vài trăm nghìn đồng. Những món phức tạp như chuông gió, con rồng bán từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng.
Trong số các tác phẩm, Ngọc Dư tâm đắc nhất mẫu chuông gió con rồng. Từ cái nheo mắt, sống mũi đến râu ria mép đều là tre gai tự nhiên nên mất tới nửa năm mới kiếm đủ nguyên liệu. Mỗi bộ này anh bán giá 14 triệu đồng. Khách đặt nhiều nhưng đến nay anh mới kiếm đủ nguyên liệu làm được bốn bộ.
Tác phẩm King Kong cao 6 mét đặt tại một khu du lịch sinh thái dưới chân núi Bà Đen khiến Dư tự hào nhất vì có sự kết hợp với anh trai Lê Hải. Vốn có năng khiếu vẽ, Hải đã phác họa ra tỷ lệ King Kong từ bản vẽ đến thực tế, từ đó giúp em tạo hình theo kích thước cân đối.
Mất hai tháng, dùng hết 150 bó cỏ tranh và 30 bó rơm, anh em họ mới hoàn thành tác phẩm. Mô hình này tạo điểm nhấn cho khách tới du lịch Tây Ninh và giúp tên tuổi Ngọc Dư được nhiều người biết đến.
Hiện nay ngoài tiếp tục quay video sáng tạo các con vật mới, Dư còn mở các buổi workshop chia sẻ cách làm những món đồ này.
Anh cho biết ai cũng mang trong mình một tuổi thơ. Tuổi thơ của Dư lấm lem, lam lũ, nghèo khó nhưng vui và hạnh phúc. Nhớ về tuổi thơ là anh nhớ những trò chơi từng làm.
"Giờ qua các video của tôi, mọi người nói không phải tôi ở Tây Ninh mà đang sống trên cung trăng. Tôi cho rằng đó là một lời khen và cũng có ý đúng", chàng trai có cái tên Chú Cuội nói.