Ước tính có khoảng 537 triệu người trưởng thành trên hành tinh này đang sống chung với bệnh tiểu đường và con số này dự kiến sẽ tăng lên 783 triệu trong 20 năm tới.
Phần lớn dân số châu Á là những người ăn gạo, nhưng đến 60% bệnh nhân tiểu đường trên thế giới sống tại khu vực này. Vì vậy giống lúa mới có chỉ số đường huyết cực thấp sẽ giúp góp phần làm ngăn ngừa nguy cơ sức khỏe cho người dân.
Theo báo WION, tiến sĩ Nese Sreenivasulu - nhà khoa học chính tại trung tâm dinh dưỡng và chất lượng ngũ cốc tại Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), nơi phát triển loại gạo này - cho biết giống lúa này có thể sớm được trồng ở Ấn Độ.
Thật ra, cách đây gần 1 năm, mẫu gạo đầu tiên có chỉ số đường huyết cực thấp đã được trình lên Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại lễ khai mạc Đại hội Lúa gạo thế giới 2023 vào giữa tháng 10-2023.
“Với nghiên cứu này, chúng tôi nỗ lực đảm bảo sức khỏe người sử dụng. Chúng tôi mong muốn hợp tác với các quốc gia để đẩy nhanh việc khai thác các giống lúa có chỉ số đường huyết thấp và cực thấp” - Tổng giám đốc IRRI Ajay Kohli khi đó đã cho biết.
Bệnh tiểu đường, còn gọi là bệnh đái tháo đường, là một bệnh rối loạn chuyển hóa mãn tính rất phổ biến. Khi mắc bệnh, cơ thể mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp, đồng nghĩa với việc bạn có lượng đường trong máu hay vượt mức bình thường và cơ thể không có khả năng tự điều chỉnh lượng đường trở lại mức bình thường.
Có 2 loại bệnh tiểu đường: type 1 là tình trạng tự miễn dịch không thể phòng ngừa được, khiến người bệnh phải dùng insulin hằng ngày; bệnh tiểu đường type 2 có thể chữa được ở một mức độ nào đó bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, đôi khi có thể tránh được việc dùng thuốc.
-
Chọn thức ăn chứa carbohydrat giảm đường huyết cho người tiểu đường sao cho đúng?ĐỌC NGAY
Những người mắc tiểu đường type 2 hoặc tiền tiểu đường có thể được chữa trị từ chế độ sử dụng thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp.
Theo Tổ chức Diabetes Canada, GI là thang điểm từ 1-100, xếp hạng thực phẩm hoặc đồ uống có chứa carbohydrate theo mức độ làm tăng lượng đường trong máu sau khi ăn. Thực phẩm có GI cao (từ 70 trở lên) làm tăng lượng đường trong máu nhiều hơn và nhanh hơn so với thực phẩm có GI thấp (từ 55 trở xuống). Hầu hết các loại gạo hiện nay đều có chỉ số GI từ 70 đến 72.
Gạo trắng nổi tiếng vì có chỉ số đường huyết cao. Tuy nhiên, IRRI đã phát triển được một giống lúa có GI thấp, chỉ vào khoảng 25, và vẫn giàu protein. Giống lúa mới này trông giống gạo trắng nhưng hạt nhỏ hơn.
Các nhà nghiên cứu tại IRRI đã sàng lọc 380 mẫu hạt giống trong 10 năm để chọn ra các gene có GI thấp hơn và hàm lượng protein cao hơn. Họ đã kết hợp chúng lại để tạo ra loại gạo lành hơn, không có nguy cơ gây bệnh tiểu đường.
Tiến sĩ Nese Sreenivasulu khẳng định nếu có thể đưa ra một chế độ ăn có GI thấp, được coi là lành mạnh hơn, không chỉ đối với những người mắc bệnh tiểu đường và tiền tiểu đường thì đó sẽ là một biện pháp can thiệp rất tốt để chống lại các trường hợp mắc bệnh tiểu đường đang gia tăng.
Theo báo The Guardian, dự án này của IRRI vẫn đang được tiến hành thử nghiệm ở Philippines, với hy vọng sẽ có thể triển khai trồng rộng rãi ở nhiều quốc gia châu Phi và châu Á trong năm 2025.