Tài chính

CEO WiGroup: Lạm phát có thể vượt 4,5% đầu năm sau, khó giảm thêm lãi suất huy động

Mới đây trên kênh Tài chính & Kinh doanh, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup cho rằng rất khó để kỳ vọng kinh tế bứt tốc mạnh trong quý IV và gần như chắc chắn Việt Nam không đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023. 

Tuy nhiên điểm sáng trong quý IV sẽ đến từ khu vực xuất khẩu. Dù vậy, ông đánh giá sự tăng trưởng của xuất khẩu không phải do thực sự bứt tốc mà do cùng kỳ lĩnh vực này suy giảm mạnh.

"Tăng trưởng của xuất khẩu sẽ dẫn dắt khu vực công nghiệp và hỗ trợ phục hồi nhu cầu tiêu dùng trong quý IV", ông nói và dự báo tăng trưởng GDP cả năm ở mức 5 - 5,3%.

 Một số chỉ số vĩ mô. (Ảnh: WiChart).

CEO của WiGroup cho rằng vấn đề cần quan tâm lúc này là lạm phát, dự báo lạm phát sẽ áp lực hơn vào đầu năm sau.  

“Chỉ số giá tiêu dùng CPI bắt đầu tăng nhanh từ tháng 7, chủ yếu do nhóm giá hàng hóa dịch vụ khác tăng. Đến tháng 8, xăng dầu tăng mạnh trở lại kéo lạm phát tăng theo. Trong tháng 9, nhóm giáo dục và nhà ở, vật liệu xây dựng gây áp lực cho lạm phát. Tốc độ tăng CPI 3 tháng gần đây đến từ ba nhóm hàng hóa, dịch vụ khác nhau”, ông nói và dự báo với tốc độ này, lạm phát của tháng 12/2023 và tháng 1/2024 so với cùng kỳ có thể vọt lên trên 4,6%, tuy nhiên lạm phát bình quân cả năm 2023 vẫn dưới 3,5%.

 Lạm phát tăng tốc trở lại. (Ảnh: WiChart).

Tuy nhiên, theo đại diện WiGroup, nhà điều hành đã nhìn ra sức ép lạm phát lớn vào đầu năm sau nên sẽ chủ động trong kiểm soát. Chính sách tiền tệ thời gian tới dự báo vẫn chưa thât chặt, tuy nhiên cũng không thể nới lỏng mạnh như trước.  

 CEO WiGroup Trần Ngọc Báu. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp).

Ông Báu nhấn mạnh dư địa giảm lãi suất huy động không còn nhiều. "Dự báo lạm phát đầu năm sau có thể lên 4,5%, khi đó lãi suất huy động các kỳ hạn trung bình khoảng 5,5%. Với mức lạm phát như vậy, lãi suất huy động khó giảm thêm. Bởi nếu lãi suất thực tiệm cận 0 hoặc âm, người dân sẽ có xu hướng không gửi tiền ngân hàng và dịch chuyển sang kênh đầu tư khác”, ông nói thêm.

 

 

Về vấn đề tỷ giá, ông Báu nhận định tỷ giá không quá căng thẳng, chủ yếu do yếu tố đầu cơ. “NHNN vẫn còn nhiều dư địa để kiểm soát tỷ giá khi cán cân thương mại và dòng vốn FDI vào vẫn mạnh. Nếu tỷ giá vượt 4%, dự báo NHNN sẽ bán USD can thiệp, ông nói.               

Cùng chuyên mục

Đọc thêm