Chứng khoán

CEO VNDirect nói về trái phiếu Trung Nam: ‘Tôi không thể nói không có áp lực bởi vì chúng tôi vốn lớn nhưng mà mất cơ hội vào một doanh nghiệp’

Trung Nam là một đơn vị đẩy mạnh phát triển các dự án năng lượng tái tạo với hệ thống điện gió và điện mặt trời ở Việt Nam. Đây cũng là nhà phát hành lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp trong những năm qua. VNDirect là công ty chứng khoán tham gia vào các thương vụ phát hành trái phiếu của Trung Nam với nhiều vai trò khác nhau như bảo lãnh phát hành, đại lý phát hành…

Trong danh mục đầu tư của VNDirect, trái phiếu doanh nghiệp trong đó có Trung Nam chiếm một tỷ trọng lớn, với giá trị đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng thời điểm cuối quý I/2023. Tại đại hội, nhiều cổ đông của VNDirect quan tâm đến quyết định rót lượng tiền lớn vào trái phiếu Trung Nam của công ty.

 Bà Phạm Minh Hương, Tổng Giám đốc của Trung Nam tại đại hội cổ đông. Ảnh: LH.

Vì sao VNDirect rót vốn vào trái phiếu Trung Nam?

Theo bà Phạm Minh Hương, Tổng Giám đốc của VNDirect, ngoài việc cung cấp nền tảng giao dịch cho nhà đầu tư, công ty còn hướng đến việc kiến tạo “hàng hóa” cho nhà đầu tư để dẫn dòng vốn của nhà đầu tư vào với doanh nghiệp. Những lĩnh vực được VNDirect lựa chọn bao gồm năng lượng, dịch vụ hạ tầng, ngành giáo dục, y tế, dịch vụ du lịch, công nghệ và F&B. Đây là những ngành có nhu cầu về vốn để phát triển rộng trong tương lai.

“Trung Nam được lựa chọn đại diện cho doanh nghiệp ngành năng lượng. Cho đến bây giờ khi chúng tôi làm bảo lãnh phát hành cho Trung Nam, chúng tôi nhìn nhận đây là một doanh nghiệp thực sự có tiềm năng cả về năng lực thực thi phát triển dự án cho đến năng lực tìm kiếm các dự án đầu tư. Trung Nam nếu như có được năng lực huy động vốn ngoài vốn thương mại, Trung Nam có cơ hội để xây dựng nền tảng về năng lượng rất là tốt, giữ được an ninh năng lượng cho Việt Nam trong quá trình xã hội hóa, tư nhân hóa phát triển mảng hạ tầng năng lượng của nền kinh tế”, bà Phạm Minh Hương nói về quyết định đầu tư vào Trung Nam.

Ngoài Trung Nam, Tổng Giám đốc của VNDirect còn cho biết công ty đang rót vốn vào một số doanh nghiệp như dịch vụ bất động sản (Cenland), hạ tầng (Cienco 4), dịch vụ du lịch (Crystal Bay). “Tất cả những doanh nghiệp này là những doanh nghiệp nắm giữ được điều kiện phát triển hạ tầng của một ngành”.

Tại sao quy mô đầu tư của VNDirect vào Trung Nam cao đột biến?

Chia sẻ sâu hơn về thương vụ đầu tư vào trái phiếu Trung Nam, bà Hương cho biết, VNDirect đồng bảo lãnh phát hành với Vietcombank tại dự án ở Đắc Lắc của Trung Nam và một số hoạt động huy động vốn khác. Tuy nhiên trái phiếu của Trung Nam cũng bị ảnh hưởng như những trái phiếu doanh nghiệp khác sau vụ Vạn Thịnh Phát.

“Để bảo vệ cho nhà đầu tư cá nhân lúc vụ Vạn Thịnh Phát xảy ra, chúng tôi cũng phải mua lại khá nhiều trái phiếu bao gồm cả Trung Nam. Cho nên hiện nay cái exposure (phơi nhiễm rủi ro – PV) của VNDirect với Trung Nam cũng rất là lớn so với quy mô của các doanh nghiệp khác”, bà Hương nói.

Từ góc nhìn của một đơn vị bảo lãnh phát hành và đang nắm giữ một lượng lớn trái phiếu Trung Nam, CEO của VNDirect cho rằng rủi ro của Trung Nam hiện nay chỉ là rủi ro tạm thời về thanh khoản, không phải rủi ro của mô hình kinh tế hay rủi ro khác. Bên cạnh đó cũng tồn tại rủi ro chính sách nhưng công ty đã đánh giá trước khi tham gia bảo lãnh phát hành.

“Rủi ro mà chúng tôi không lường được là sự bán lại của nhà đầu tư. Lúc đó kinh nghiệm xử lý của nhóm nguồn vốn cũng chưa được tốt cho nên tự nhiên chúng tôi phải mua lại lượng trái phiếu khổng lồ thời điểm sau vụ Vạn Thịnh Phát. Do quá trình bán, các bạn bán trái phiếu không bán đúng bản chất của trái phiếu doanh nghiệp. Dẫn đến chuyện trong lúc đó chúng tôi phải quyết định bảo vệ nhà đầu tư vì những cái chưa hiểu biết của nhà đầu tư hay bảo vệ thị trường trong lúc đó để tránh rủi ro. Vì vậy, cái exposure (phơi nhiễm rủi ro) của VNDirect với Trung Nam có tăng lên đáng kể”, CEO VNDirect chia sẻ.

Cũng qua chia sẻ của bà Phạm Minh Hương, Trung Nam đang gặp một số khó khăn liên quan đến dự án Thuận Nam, dự án điện gió ở Đắc Lắc mất thời gian mấy năm đầu điều chỉnh kỹ thuật để tối ưu về gió, hoạt động bán vốn cho nước ngoài bị dừng do đơn vị Credit Suises bị ảnh hưởng, nhà đầu tư ngoại lo ngại về những rủi ro.

Tuy nhiên, điểm tích cực là các nhà máy được yêu cầu phát tối đa công suất, các nhà máy của Trung Nam có dòng tiền dương. Bên cạnh đó, Vietcombank đang tái cấu trúc khoản vay để Trung Nam không bị áp lực dòng tiền.

Còn về phía mình, CEO VNDirect cho hay, “cho đến bây giờ mặc dù chúng tôi có áp lực, tôi không thể nói không có áp lực bởi vì chúng tôi vốn lớn nhưng mà mất cơ hội vào một doanh nghiệp. Thực ra có nhiều lúc chúng tôi hy sinh cơ hội của VNDirect để bảo vệ cho doanh nghiệp. Những tôi nghĩ đó là một trong những trách nhiệm của định chế tài chính.

Trong những lúc khó khăn thì mình đồng hành cùng với doanh nghiệp để mình giữ cái điều kiện của doanh nghiệp khi mà vốn ngân hàng bị đóng lại và có rất nhiều điều kiện khó khăn khác để họ tiếp cận vốn ngân hàng”.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm