Chứng khoán

Chứng khoán đang tăng bất ngờ đảo chiều giảm sau tin SBV hạ lãi suất điều hành lần 4

SBV giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp 6 tháng đầu năm

Ngày hôm nay (16/6), SBV thông báo đợt giảm lãi suất điều hành lần thứ tư kể từ đầu năm nay Trong đợt này, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5%/năm xuống còn 4,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3,5%/năm xuống còn 3%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ mức 5,5%/năm xuống còn 5%/năm. Các mức lãi suất có hiệu lực từ ngày 19/6.

Như vậy, sau 4 đợt giảm lãi suất điều hành, lãi suất tái chiết khấu giảm 1,5 điểm % từ 4,5%/năm xuống còn 3%/năm, lãi suất tái cấp vốn cũng giảm 1,5 điểm % từ 6/năm xuống còn 4,5%/năm.

Xu hướng lãi suất điều hành đang giảm về vùng đáy. Thời điểm dịch COVID-19 bùng nổ mạnh, lãi suất tái chiết khấu điều chỉnh giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử 20 năm xuống còn 2,5%/năm, trong khi đó lãi suất tái cấp vốn là 4%/năm.

Trong tháng 5, sau thông tin về đợt giảm lãi suất điều hành lần thứ ba của SBV, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực, phá vỡ quy luật “sell in May and go away” (bán trong tháng 5 và đi chơi – PV).

Thị trường chứng khoán phản ứng tích cực khi giới đầu tư kỳ vọng việc giảm lãi suất đầu ra sắp tới sẽ tác động tích cực lên các doanh nghiệp nhờ việc tiết giảm chi phí tài chính, tạo động lực để các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy để đầu tư vào các dự án mới, mở rộng kinh doanh hoặc mua sắm tài chính.

Xu hướng giảm lãi suất cũng có thể kích hoạt làn sóng dịch chuyển dòng vốn từ gửi tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác có tỷ suất sinh lợi tốt hơn như cổ phiếu. Trên thực tế, các ngân hàng thương mại thông báo giảm lãi suất huy động.

Trong tháng 5, thị trường chứng khoán Việt Nam có biểu hiện tích cực về dòng tiền, xu hướng mua ròng của nhà đầu tư cá nhân nội hay số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới cao nhất trong 9 tháng. Giá trị giao dịch bình quân phiên tháng 6 vượt 20.000 tỷ đồng.

 Diễn biến lãi suất điều hành trong 20 năm qua. Nguồn: Lợi Hoàng.

Kịch bản tin ra là bán, chứng khoán đảo chiều trong phiên 16/6

Sau khi thông tin giảm lãi suất điều hành được công bố, thị trường chứng khoán Việt Nam phản ứng tích cực đầu phiên chiều nay (16/6), có thời điểm VN-Index tăng gần 12 điểm, tiến lên gần ngưỡng 1.130 điểm. Tuy nhiên, lực bán gia tăng khiến chỉ số bất ngờ đảo chiều, đóng cửa trong sắc đỏ, dừng ở 1.115,22 điểm, giảm 1,75 điểm (0,16%).

Thanh khoản phiên hôm nay cũng tăng mạnh, đạt hơn 26.000 tỷ đồng với khối lượng giao dịch 1,447 tỷ cổ phiếu. Riêng sàn HOSE, giá trị mua bán cổ phiếu đạt hơn 22.425 tỷ đồng với khối lượng 1,166 tỷ cổ phiếu.

Giá trị giao dịch sàn HOSE hôm nay cao hơn đột biến so với mức bình quân 1 tuần (15.776 tỷ đồng), 2 tuần (gần 17.200 tỷ đồng), 1 tháng (15.135 tỷ đồng). Tương tự, thanh khoản sàn HNX và thị trường UPCoM cũng tăng đột biến so với bình quân khung thời gian tuần, tháng.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán nhạy với thông tin giảm lãi suất không giữ được trạng thái tích cực. Trong phiên, nhiều cổ phiếu từng có thời điểm tăng trần như TVC, TVB, VIX, VND. Nhưng lực bán về cuối phiên khiến các mã này đều thu hẹp đà tăng, còn khoảng 1 – 3%.

Với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, sắc đỏ chiếm ưu thế trong rổ VN30 với 20 mã giảm giá, 8 mã tăng giá và 2 mã đứng giá tham chiếu. Sắc đỏ của các cổ phiếu như VIC, CTG, VHM, GAS, PLX gia tăng áp lực lên chỉ số trong khi VCB, STB, HPG, BCM đóng vai trò nâng đỡ.

Phiên giao dịch hôm nay cũng là thời điểm hai quỹ ETF ( ETF) thực hiện giao dịch cơ cấu danh mục đầu tư quý II/2023. Hoạt động giao dịch của hai quỹ này cũng có thể tạo “độ nhiễu” cho thị trường trong phiên đảo chiều.

Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài mua vào gần 2.639 tỷ đồng cổ phiếu trên sàn HOSE theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong khi giá trị ở chiều bán ra là 2.166 tỷ đồng, tương đương giá trị mua ròng gần 473 tỷ đồng. Riêng ở kênh khớp lệnh, khối ngoại mua ròng hơn 368 tỷ đồng, tập trung các mã VND, HPG, STB.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm