Ngày 16/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất thêm tối đa 0,5%.
Trong đó đáng chú ý là mức, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5%/năm xuống 4,75
Như vậy, chỉ từ đầu năm đến nay, NHNN đã có 4 lần giảm trần lãi suất huy động, đến cuối tháng 5, trần lãi suất từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm tiếp 0,5% xuống 5% một năm.
Đánh giá về động thái mới của NHNN TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, có hai lý do khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra quyết định hạ lãi suất lần thứ 4.
Đầu tiên là bối cảnh quốc tế đã thuận lợi hơn, trong cuộc họp ngày hôm qua 15/6, Fed đã tạm dừng tăng lãi suất chấm dứt chuỗi 10 lần tăng lãi suất liên tiếp được cơ quan này đưa ra từ tháng 3/2022. Tỷ giá không còn nhiều áp lực giúp NHNN có dư địa để giảm lãi suất.
Đối với bối cảnh trong nước, lạm phát đang trên đà giảm, nhưng xuất khẩu giảm mạnh, sản xuất công nghiệp giảm, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn về đầu ra, về nghĩa vụ tài chính, tín dụng tăng thấp nên quyết định giảm tiếp các lãi suất điều hành của NHNN được đưa ra trong lúc này là phù hợp.
Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng chỉ ra rằng, việc hạ lãi suất sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, nhất là về nghĩa vụ tài chính.
Sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành, hy vọng các ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất đầu vào lẫn đầu ra. Điều này góp phần giảm bớt khó khăn về nghĩa vụ trả nợ, cả cũ và cả mới cho doanh nghiệp.
Thứ hai là qua đó sẽ giúp kích cầu tín dụng trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng rất thấp trong những tháng đầu năm nay, tính đến hết tháng 5 chỉ khoảng 3%.
Thứ ba là, việc giảm lãi suất lần này cũng nhằm thực hiện chỉ đạo chung của Chính phủ và Quốc hội về hạ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế, kích thích tăng trưởng.
Với lo ngại về hạ lãi suất sẽ khiến lạm phát tăng lên, theo TS. Lực vấn đề này không quá đáng lo. Năm nay, lạm phát và giá cả trên thế giới đang giảm, đỡ áp lực hơn nhiều so với năm ngoái, tỷ giá cũng tương đối ổn định.
Đặc biệt, sức cầu trong nền kinh tế hiện rất yếu, liên quan đến giá tiêu dùng sức cầu khoẻ, tăng nhanh thì thị trường mới chấp nhận giá hàng hoá cao nhưng hiện nay, sức cầu yếu và hàng tồn kho nhiều nên giá cao hơn một chút người dân sẽ không mua.
"Một yếu tố nữa là giá trị tồn kho cao trong đó có bất động sản khiến vòng quay đồng tiền chậm cho nên việc quá lo về lạm phát mà siết hỗ trợ tăng trưởng là rất không nên", TS. Lực nói.
Chỉ tiêu lạm phát năm nay được Chính phủ đề ra là 4,5% trong đó đã tính đến các tác động về tăng lương, tăng giá điện nên ngay khi áp dụng các chính sách mới cũng không quá đáng ngại về lạm phát, chuyên gia nhìn nhận.