Ngân hàng của Chủ tịch soái ca Trần Hùng Huy công bố thông tin bất ngờ
Theo đó, ACB sẽ mua lại 4 lô trái phiếu mã ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH2124011 và ACBH2124012 với tổng mệnh giá mua lại tối đa là 10.000 tỷ đồng.
Đây là 4 lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB. Ngân hàng cũng cho biết sẽ mua lại lần lượt 4 lô trái phiếu vào các ngày 22/6, 23/6, 8/7 và 15/7.
Ngân hàng ACB của Chủ tịch Trần Hùng Huy muốn mua lại 10.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
Theo báo cáo tài chính, tại thời điểm quý 1/2023, ACB có gần 36.056 tỷ đồng trái phiếu lưu hành. Trong đó, lượng trái phiếu kỳ hạn 1 – 2 năm là 11.450 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm là 20.700 tỷ đồng, 5 năm là 1.495 tỷ đồng và 10 năm là 2.411 tỷ đồng. Nếu mua lại thành công 4 lô trái phiếu trên, số trái phiếu đang lưu hành của ACB sẽ giảm mạnh.
Tân tổng giám đốc Tập đoàn Hoà Bình dự chi chục tỷ vào “sân chơi nóng”
Ông Lê Văn Nam - Tổng giám đốc của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã: HBC) đã đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu HBC với mục đích đầu tư dài hạn. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận từ ngày 20/6 đến ngày 19/7.
Động thái của ông Nam diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp xây dựng này chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vào ngày 27/6, nhằm thông qua một số kế hoạch cũng như những hoạt động mà doanh nghệp sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Nếu giao dịch thành công, ông Lê Văn Nam sẽ tăng sở hữu tại HBC lên 2,03 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,74%). Tạm tính tại mức giá đóng cửa ngày 15/06 (tức 9.130 đồng), ông Nam dự kiến phải chi 18 tỷ để mua số cổ phiếu này.
Ông Lê Văn Nam sinh năm 1976, là tân tổng giám đốc của HBC vừa được bổ nhiệm ngày 19/5/2023. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư Xây dựng trường Đại học Bách Khoa TP HCM. Trước khi ông Nam được bổ nhiệm, ghế Tổng giám đốc của HBC đã để trống kể từ tháng 7/2022 khi công ty miễn nhiệm ông Lê Viết Hiếu - con trai Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải - để đảm bảo tính pháp lý.
Sắp phát hành gần 18 triệu cổ phiếu trả cổ tức, DN của "đại gia đi tu" làm ăn ra sao?
Tập đoàn Hoa Sen vừa chốt ngày 27/6 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức niên độ 2021-2022 với tỷ lệ 3% (cổ đông cứ sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 3 cổ phiếu mới). Ngày giao dịch không hưởng quyền tương ứng là 26/6.
Theo đó, công ty sẽ phát hành thêm hơn 17,94 triệu cổ phiếu để nâng số lượng cổ phiếu lưu hành từ 598,05 triệu lên 616 triệu cổ phiếu. Nguồn vốn lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới 30/9/2022 theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán.
"Đại gia đi tu" Lê Phước Vũ - Chủ tịch Hoa Sen
Lũy kế trong 6 tháng đầu niên độ 2022 – 2023, HSG ghi nhận doanh thu đạt 14.898 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty lỗ sau thuế 424 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 873 tỷ đồng và còn cách xa kế hoạch cả năm. Điều này cũng khiến cổ phiếu HSG của tập đoàn bị cắt margin.
Đổ hàng trăm tỷ đồng đầu tư chứng khoán, “đại gia thủy sản” bị lỗ gần nửa giá trị
Trong tháng 5/2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận tổng doanh thu 954 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm chủ lực cá tra ghi nhận doanh thu 592 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, trong tháng 4/2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 869 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước.
Trong danh mục đầu tư cổ phiếu, thời điểm 31/12/2022 công ty trích lập dự phòng 76,6 tỷ đồng nhưng tới thời điểm 31/3/2023, công ty đã trích lập 83,9 tỷ đồng, tăng 7,3 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, danh mục chủ yếu đầu tư 77,4 tỷ đồng cổ phiếu NLG, trích lập dự phòng 32,5 tỷ đồng; đầu tư 57,3 tỷ đồng cổ phiếu DXS, trích lập dự phòng 38,9 tỷ đồng; đầu tư 32,8 tỷ đồng cổ phiếu KBC, trích lập dự phòng 7,7 tỷ đồng; và đầu tư 11,3 tỷ đồng các cổ phiếu khác, trích lập dự phòng 4,7 tỷ đồng.
Như vậy, tại thời điểm cuối quý I/2023, Công ty đang đầu tư 178,8 tỷ đồng vào cổ phiếu, trích lập dự phòng toàn bộ danh mục với giá trị 83,9 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 46,9% tổng danh mục.