Trong bộ tài liệu chuẩn bị cho phiên họp đại hội đồng cổ đông 2023, Bamboo Airways cho biết đã nhận đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT của các ông Nguyễn Ngọc Trọng, Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm và Nguyễn Mạnh Quân.
Bamboo Airways sẽ trình cổ đông thông qua miễn nhiệm chính thức 5 thành viên này tại phiên họp thường niên hôm 21/6. Sau đó, công ty sẽ bầu HĐQT mới, nhiệm kỳ 2023-2028 với 7 thành viên.
Chuẩn bị cho phiên họp đại hội đồng cổ đông 2023, hai cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) là Lê Thái Sâm (nắm 38,28% vốn) và Doãn Hữu Đoàn (nắm 16,85% vốn) đã có đơn đề cử 7 ứng viên vào HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Theo danh sách đề cử có 4/5 thành viên vừa xin từ nhiệm vai trò thành viên HĐQT Bamboo Airways nhiệm kỳ 2019 – 2024 được đề cử vào HĐQT của doanh nghiệp trong nhiệm kỳ mới. Cụ thể, ông Lê Thái Sâm và ông Doãn Hữu Đoàn tự ứng cử nhiệm kỳ mới và đề cử ông Nguyễn Ngọc Trọng, Lê Bá Nguyên.
Ông Phan Đình Tuệ là 1 trong 3 thành viên mới được đề cử vào Hội đồng quản trị Bamboo Airways
Chỉ duy nhất Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Quân không có tên trong danh sách đề cử vào HĐQT của Bamboo Airways nhiệm kỳ mới. Trước đó, ông Quân được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng giám đốc Bamboo Airways 27/7/2022. Ông Nguyễn Mạnh Quân là Tiến sĩ Kinh tế của Trường Đại học Giao thông Vận tải, đồng thời tốt nghiệp Cao cấp Lý luận chính trị của Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Mạnh Quân giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways từ tháng 6/2020. Từ tháng 9/2020, ông giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc thường trực của Hãng cho đến khi được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng giám đốc doanh nghiệp.
Cùng với đó, 2 cổ đông lớn là Lê Thái Sâm và ông Doãn Hữu Đoàn cũng giới thiệu 3 ứng viên khác là ông Phan Đình Tuệ, Trần Hòa Bình và Hideki Oshima. Trong đó, ông Phan Đình Tuệ vừa thôi chức Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) từ ngày 15/6. Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục giữ vai trò thành viên HĐQT tại nhà băng này nhiệm kỳ 2022 - 2026.
Theo tìm hiểu, ông Phan Đình Tuệ sinh năm 1966, có kinh nghiệm gần 40 năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tại Sacombank, ông Phan Đình Tuệ được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 14/6/2012 và được bầu làm Thành viên Hội đồng quản trị Sacombank tại ĐHCĐ thường niên 2021 của ngân hàng này.
Trong khi đó, ông Hideki Oshima sinh năm 1962 từng giữ chức cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không của Japan Airlines - hãng bay lớn thứ hai Nhật Bản. Hồi tháng 5, Chủ tịch Bamboo Airways Nguyễn Ngọc từng cho biết ông Oshima sẽ tham gia vào HĐQT và ban điều hành của hãng bay này.
Còn ông Trần Hòa Bình, sinh năm 1975, thường trú tại phường 11, quận Phú Nhuận, TP HCM. Trong khi đó, 3 thành viên được đề cử vào ban kiểm soát của Bamboo Airways gồm bà Nguyễn Thị Hữu sinh năm 1980, thường trú tại TP HCM; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc sinh năm 1980 thường trú tại Hà Nội và ông Nguyễn Đăng Khoa sinh năm 1994 thường trú tại Hà Nội.
Mới đây, Bamboo Airways đã tăng vốn điều lệ lên 26.220 tỷ đồng, tăng thêm 7.720 tỷ đồng. Như vậy, Bamboo Airways đã vượt mặt Vietnam Airlines (có vốn 22.143 tỷ đồng), trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam. Số vốn Bamboo Airways vừa tăng thêm cũng gần khớp với phương án ông Lê Thái Sâm đề xuất và đã được đại hội đồng cổ đông công ty thông qua.
Trước đó, ĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày 9/5 của Bamboo Airways đã thông qua phương án tăng vốn thêm 11.500 tỷ đồng theo kiến nghị của ông Lê Thái Sâm. Trong đó, số lượng cổ phần phát hành cho các nhà đầu tư chiến lược là 378 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 3.780 tỷ đồng.
Số lượng cổ phần phát hành cho chủ nợ để hoán đổi nợ thành cổ phần là 772 triệu cổ phiếu, tương ứng 7.720 tỷ đồng. Con số này xấp xỉ tổng số tiền gốc và lãi mà ông Sâm đang cho Bamboo Airways vay tính đến ngày 10/4 là gần 7.728 tỷ đồng.