Trong động thái đáng chú ý mới đây, Thế giới Di động (MWG) cho biết sẽ mở rộng thị trường sang Indonesia, kế hoạch thực hiện ngay năm 2022. Thực tế, việc xuất ngoại đã sớm được manh nha và nằm trong lộ trình dài hơi của MWG, và bước đầu tiên là đưa chuỗi điện máy sang Campuchia 5 năm về trước. Cho đến quý 4/2021, MWG bắt đầu định hình rõ hơn về việc đầu tư thị trường ngoại mạnh mẽ sau khi đã có đủ kinh nghiệm, bài học tại thị trường Campuchia.
Học xong bài học ‘oversea’ tại Campuchia, đến lúc MWG thực hiện giấc mơ xuất ngoại
Trao đổi với chúng tôi, CEO Đoàn Văn Hiểu Em cho biết hiện Công ty đã hoàn tất thương thảo và bắt đầu đưa người sang bên đó phối hợp với đối tác để cùng làm, cố gắng năm nay sẽ có những cửa hàng điện máy đầu tiên.
"Nói về chiến lược ‘oversea’ của MWG, chúng ta phải nhìn lại câu chuyện Công ty đánh quân sang Combodia 5 năm về trước với chuỗi điện thoại mang tên BigPhone. Sau 3 năm hoạt động tại đây, đến cuối năm 2020 MWG đã chuyển đổi hoàn toàn từ chuỗi điện thoại sang chuỗi điện máy và đổi tên thành Bluetronics.
Lúc bấy giờ, chúng tôi có khoảng 20 cửa hàng phải chuyển đổi, song song với việc mở thêm những cửa hàng mới. Tổng số lượng tính đến cuối năm 2020 là 50 cửa hàng Bluetronics, và nguyên một năm 2021 MWG tập trung vận hành khai thác.
Năm qua dù Campuchia cũng bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, Bluetronics vẫn vượt qua và đạt được kế hoạch doanh thu. Dự kiến, đến tháng 6/2022 MWG sẽ chạm được điểm hoà vốn tại thị trường này", ông Hiểu Em nói.
Bluetronics hiện đang dẫn đầu Campuchia về cả quy mô lẫn doanh thu. Và Campuchia theo đánh giá của ông chỉ là thị trường nhỏ, MWG không đặt mục tiêu mở rộng thêm nhiều nữa. Thay vào đó, Công ty sẽ dùng những bài học, kinh nghiệm hoạt động "oversea" có được để đánh quân sang các thị trường khác. Như vậy, năm 2022 với thị trường Campuchia Công ty sẽ mở thâm 10 cửa hàng nữa, còn lại tập trung khai thác thị trường Indonesia.
Bluetronics hiện đang dẫn đầu Campuchia về cả quy mô lẫn doanh thu. Và Campuchia theo đánh giá của ông chỉ là thị trường nhỏ, MWG không đặt mục tiêu mở rộng thêm nhiều nữa.
"Tại sao MWG chọn Campuchia là quốc gia đầu tiên, vì so với Việt Nam rất gần chúng tôi tiện để đi đi lại lại làm việc. Và sau 5 năm, MWG đã học đầy đủ những vấn đề liên quan về hoạt động ‘oversea’, bao gồm việc tìm thuê mặt bằng, mua bán, thói quen tiêu dùng, cả văn hoá con người…
Bây giờ là lúc MWG cần phải đi xa hơn. Cho nên, ý nghĩ đến thị trường thứ hai thì MWG đã nảy sinh trong đầu rất sớm, nhưng thực thi thì từ khoảng quý 4/2021 chúng tôi bắt đầu hình thành kế hoạch sâu hơn và tiềm hiểu thị trường nào có sự tiềm năng", CEO nhấn mạnh.
Tại sao chọn thị trường Indonesia?
Thứ nhất, MWG cho biết nguyên tắc chọn thị trường phải chọn nơi có quy mô bằng hoặc thấp hơn Việt Nam tí xíu; tức không tạo khoảng cách quá xa. Ví dụ, MWG hiện không thể mở cửa hàng ở Singapore liền được.
Trong 10 nước Đông Nam Á, Indonesia theo ông Hiểu Em rất phù hợp. Là quốc gia có nhiều đảo, Indonesia hiện có diện tích lớn gấp 7 lần Việt Nam, dân số thì gấp khoảng 3 lần. Chưa kể, Indonesia có văn hoá mua sắm tương đồng với Việt Nam, đặc biệt thị trường điện máy còn sơ khai trong khi thị trường điện thoại đang ngang bằng với quy mô Việt Nam. Đây chính là cơ hội để MWG chinh phục giấc mơ xuất ngoại của mình.
Thứ hai, một yếu tố cũng quan trọng không kém chính là luật đầu tư ở nước sở tại. Và Indonesia đang rất cởi mở việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào.
Chia sẻ thêm, ông Hiểu Em cho biết sẽ khác với Campuchia nơi MWG tự làm tất cả, với Indonesia Công ty sẽ thâm nhập thông qua liên kết với đối tác sở tại, bởi việc tự làm sẽ có những giới hạn nhất định.
Đã đưa người sang Indonesia và sẽ mở cửa hàng đầu tiên trong năm 2022, chiến lược 5 năm có thể lên sàn sở tại
Từ quý 4/2021, MWG đã xúc tiến tìm kiếm đối tác, đến nay Công ty đã hoàn tất thương thảo và bắt đầu đưa người sang bên đó phối hợp với đối tác để cùng làm, cố gắng năm nay sẽ có những cửa hàng điện máy đầu tiên.
Thời gian đầu tiên, cửa hàng điện máy của MWG sẽ tập trung ở một số thành phố lớn của Indonesia. Mục tiêu 5 năm MWG sẽ mở một số lượng nhất định. Dù chưa thể tiết lộ về tên gọi cũng như kế hoạch cụ thể, CEO cho biết có thể không chỉ là mục tiêu về quy mô cửa hàng, doanh thu… MWG còn lên cả chiến lược lên sàn.
Nói về thời gian thử nghiệm tại đây, đại diện MWG nhấn mạnh thực tế theo thời gian thì những mô hình mới được rút ngắn hơn rất nhiều. "Như các bạn thấy, chuỗi Thế giới Di động mở cửa hàng đầu tiên thì mất khá nhiều thời gian để thử nghiệm, tính đến nay đã 17 năm và có được kết quả như thế này. Sang chuỗi Điện Máy Xanh thì chỉ mất khoảng 12 năm, đến chuỗi Bách Hoá Xanh thời gian rút ngắn còn khoảng 6-7 năm. Và mới đây, hai chuỗi mới ra mắt sau đại dịch là TopZone và AVA thì thời gian từ lúc có ý tưởng đến khi bắt tay làm thời gian cũng rút ngắn hơn rất nhiều.
Riêng thị trường nước ngoài, tại Campuchia MWG mất khoảng 3 năm hơn đầu tiên cho mô hình điện thoại và sau đó quyết định chuyển đổi sang chuỗi điện máy. Và chỉ đến năm 2020, chúng tôi hoàn tất có được 50 cửa hàng.
Nhìn lại như vậy để thấy được mỗi mô hình càng về sau sẽ rút ngắn khá nhiều thời gian thực thi và cho ra kết quả. Có được kết quả này chính là sự tích luỹ của Công ty theo thời gian, đến bây giờ có thể nói MWG đã có đầy đủ những yếu tố để đi nhanh từ cơ sở hạ tầng, con người, hệ thống vận hành, hệ thống quản trị…", ông Hiểu Em nói.
Sau Covid, MWG quyết tâm chớp lấy thời cơ để đi nhanh và thắng nhanh
Chia sẻ thêm về kế hoạch xuất ngoại sắp tới, CEO nhấn mạnh ở thời điểm này, sau khi dịch bệnh bùng phát, tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng tạo ra rất nhiều cơ hội. Đơn cử, nhiều nhà bán lẻ không trụ được và rơi rụng, đó chính là cơ hội. Không chỉ ở bán lẻ, mà cơ hội cũng có rất nhiều ở nhiều ngành nghề khác nhau.
"Thấy được như vậy, MWG quyết tâm chớp lấy thời cơ để đi nhanh và thắng nhanh", ông Hiểu Em nhấn mạnh. Và phong cách của MWG, Công ty sẽ không tốn quá nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường mà chọn cách dấn thân làm và rút kinh nghiệm.
Thực tế mỗi chiến lược đều có mặt trái phải riêng, song MWG không chọn cách suy đi tính lại vì với Công ty điều đó không có ý nghĩa. "Đó có thể nói là công thức thành công của MWG, dân thân làm và chính cái làm thực tế sẽ cho ra nhiều câu trả lời, mà nếu cứ trên bàn giấy thì không bao giờ thấy được. Và thực tế, việc thử nghiệm như thế thực ra không tốn nhiều chi phí lắm", CEO nói thêm.
MWG vừa công bố tình hình kinh doanh, ghi nhận lập kỷ lục mới trong tháng 1/2022 với hơn 16.000 tỷ đồng tổng doanh thu và 2.300 tỷ đồng doanh thu online do mùa bán hàng cao điểm phục vụ Tết Nguyên Đán 2022 diễn ra trọn trong tháng đầu năm.
Năm 2022, MWG đặt mục tiêu năm nay có doanh thu 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 30% so với năm trước. Trong đó, chuỗi TGDĐ/ĐMX vẫn là trụ cột mang lại dòng tiền chính, đóng góp 75-80% vào tổng doanh thu nhờ mở rộng hệ thống, chuyển đổi và nâng cấp nhiều cửa hàng ở những khu vực tiềm năng và kinh doanh thêm sản phẩm mới để tăng doanh số những cửa hàng hiện hữu.