Bất ngờ quay lại nhận nhiệm vụ Tổng Giám đốc
Ông Nguyễn Quốc Cường (sinh năm 1982), hay còn thường được biết đến với tên gọi “Cường Đô La”, từng có thời gian điều hành Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG), song đã rời đi nhiều năm trước. Ông hiện đảm nhiệm lãnh đạo/điều hành C-Holdings và nhiều đơn vị trong hệ sinh thái này.
Về phía Quốc Cường Gia Lai, doanh nghiệp bất động sản sau đó trở lại sự lèo lái của bà Nguyễn Thị Như Loan, cũng tức là mẹ ông Cường.
Tuy nhiên mới đây, ngày 19/7, Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Như Loan bất ngờ bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bắt tạm giam ngày 19/7, về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Ngay sau đó, HĐQT đã quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Cường thay thế bà Loan làm Tổng Giám đốc. Đồng thời, ĐHĐCĐ thường niên 2024 (lần hai) tổ chức sáng 30/7 cũng thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với bà Loan, và bầu bổ sung ông Nguyễn Quốc Cường.
Tân CEO bộc bạch đã bất ngờ khi chỉ mới được nhận nhiệm vụ trong thời gian ngắn mấy ngày trước đó, ngay trước thềm đại hội. Ông cho biết đã rời ban điều hành 7-8 năm, song sẽ cố gắng làm tốt nhất có thể.
Bản thân ông vẫn đang đảm nhiệm Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT CTCP C-Holdings; Chủ tịch HĐQT CTCP C-Construction, Chủ tịch HĐQT CTCP C-Luxury. Do đó, vị doanh nhân nhìn nhận trong thời gian ngắn khó có thể nói cân bằng cho cả các bên, nhưng sẽ cố gắng, riêng việc điều hành tại Quốc Cường Gia Lai vẫn còn nhiều khâu cần làm quen trở lại.
Về sự việc của bà Loan, ông Cường cho hay công ty đã nhận rất nhiều hỏi thăm, động viên từ cổ đông, đối tác, ngân hàng... Vụ việc vẫn đang trong vòng điều tra. Theo ông, trong kinh doanh không thể tránh những sự việc bất ngờ như vậy.
Điểm tựa nào cho cổ phiếu QCG?
Trong ngày chính thức ra mắt cổ đông, ông Cường đã trả lời tất cả chất vấn về tình hình hoạt động kinh doanh. Trong đó, hai vấn đề nổi cộm là sức khỏe tài chính doanh nghiệp và diễn biến liên quan sự vụ tại dự án Phước Kiển.
Nhằm trấn an cổ đông, ông Cường đã bóc tách những điểm mạnh sức khỏe tài chính của Quốc Cường Gia Lai. Theo đó, công ty hiện có 4.900 - 5.000 tỷ đồng nợ trên vốn 9.000 tỷ đồng. Tuy vậy, số lãi vay hiện công ty đang trả chỉ khoảng 3%, tức khoảng 300 tỷ đồng. Do đó, ông phân tích nợ vay chưa phải là áp lực trong thời gian tới.
Cũng theo ông, hiện có nhiều doanh nghiệp bất động sản có hệ số nợ phải trả trên vốn rất cao, và may mắn khi công ty không nằm trong nhóm này.
“Nếu nhìn vào tình hình tài chính hiện nay, với tỷ lệ nợ thấp thì QCG vẫn đang là một cổ phiếu rất đáng để đầu tư. Sức khoẻ công ty tốt, chưa đáng lo ngại. Do đó, tôi mong cổ đông tiếp tục đồng hành với công ty vì Quốc Cường Gia lai cũng đang sở hữu nhiều dự án tốt, thanh khoản tốt chưa triển khai", ông Cường nói thêm.
Chia sẻ bên lề đại hội, quan điểm cá nhân ông cho rằng diễn biến tăng trần trở lại của cổ phiếu trong hai phiên 29/7 và 30/7 có thể đến từ việc nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng của công ty, giá cổ phiếu đã giảm sâu sau sự cố.
Tập trung nguồn lực vào dự án Phước Kiển
Với cổ đông Quốc Cường Gia Lai, dự án tại Phước Kiển, Nhà Bè, TP HCM chính là mối quan tâm hàng đầu.
Tại đại hội vừa qua, vị CEO thông tin, theo phán quyết của tòa trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Quốc Cường Gia Lai phải trả lại cho Sunny Island 2.882 tỷ đồng liên quan giao dịch tại dự án Phước Kiển. Trước đó, Tòa Trọng tài Quốc tế đã phán quyết Quốc Cường Gia Lai chỉ trả lại cho Sunny 50% số tiền trên, là 1.441 tỷ đồng.
Quốc Cường Gia Lai cũng đang thực hiện kháng cáo và hồ sơ giấy tờ của dự án vẫn do cơ quan công an giữ, niêm phong. Khi nào hoàn tất tiền, công ty sẽ nhận lại giấy tờ sổ đỏ.
Quốc Cường Gia Lai cũng đang có phương án bán bớt các dự án thủy điện hoặc các dự án bất động sản khác để thanh toán tiền cho Sunny Island theo phán quyết cuối cùng của tòa. Khi lấy được sổ đỏ của dự án Phước Kiển, công ty sẽ tìm đối tác tiềm năng, xứng tâm để hợp tác phát triển dự án.
Nói thêm về kế hoạch nguồn tiền để trả cho Sunny, ông Cường cho biết trong năm 2024 và đầu năm 2025 sẽ tập trung xử lý hàng tồn kho của tất cả dự án, có thể đem về hơn 1.000 tỷ đồng. Cộng với doanh thu triển khai từ dự án Marina Đà Nẵng và chuyển nhượng các dự án thuỷ điện thì số tiền để trả cho Sunny Island là khả thi.