Tài chính

Không phải chứng khoán, giới siêu giàu Trung Quốc đổ xô đầu tư một loại tài sản khan hiếm, giá hàng chục tỷ nhưng ‘sơ hở’ là hết sạch

Không phải chứng khoán, giới siêu giàu Trung Quốc đổ xô đầu tư một loại tài sản khan hiếm, giá hàng chục tỷ nhưng ‘sơ hở’ là hết sạch- Ảnh 1.

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với những trở ngại và tăng trưởng giảm tốc, những người siêu giàu sẽ cất giữ khối tài sản của họ ở đâu?

Các nhà quản lý tài sản nói với CNBC rằng xu hướng đầu tư hiện tại của những người Trung Quốc giàu có là "bảo thủ". Dòng tiền của họ chảy vào các tài sản quốc tế khi ngành bất động sản trong nước trầm lắng.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản cao cấp của Trung Quốc là một ngoại lệ.

Bất động sản hạng sang

Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc James Macdonald tại công ty bất động sản toàn cầu Savills cho biết giao dịch liên quan đến bất động sản hạng sang của Thượng Hải gia tăng đáng kể. Điều đó là do chính phủ nới lỏng chính sách.

Trung Quốc đã nới một số hạn chế đối với việc mua bất động sản. Từ đó, nhiều dự án bất động sản cao cấp mới ra mắt tại các khu vực trung tâm thành phố. Vào tháng 5, số năm mà người dân tại Thượng Hải phải nộp thuế trước khi mua bất động sản giảm từ 5 năm xuống còn 3 năm. Tỷ lệ trả trước đối với người mua lần đầu giảm từ 30% xuống còn 20%.

Giám đốc nghiên cứu Sam Xie của CBRE tại Trung Quốc cho biết nhà ở hạng sang là khoản đầu tư tốt cho những cá nhân có khối tài sản ròng lớn và các gia đình giàu có. Vì chúng là tài sản khan hiếm trong những năm gần đây.

Trong quý đầu tiên của năm 2024, khối lượng giao dịch đối với các căn hộ mới xây có giá tối thiểu 2,75 triệu USD/căn đã tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Ông Xie lưu ý rằng 40% người mua là cư dân Thượng Hải.

Christine Li, Trưởng phòng nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương của Knight Frank, cho biết các dự án cao cấp như Arbour tại Thượng Hải, The Bund Garden của Greentown và Shanghai Arch tại khu tài chính Lujiazui vừa ra mắt đã bán hết sạch. Tuy nhiên, thị trường bất động sản xa xỉ của Trung Quốc vẫn chủ yếu ở các khu vực trung tâm của các thành phố hạng nhất.

Giám đốc đầu tư Stephen Pau tại Hefeng Family Office cho biết: “Trong bối cảnh hiện tại, những ngôi nhà hạng sang ở Thượng Hải là những tài sản giá trị để bảo toàn sự giàu có và thanh khoản, đặc biệt với những cá nhân có khối tài sản cực lớn”.

Các chuyên gia nói với CNBC rằng các loại hình đầu tư khác, chẳng hạn như thị trường bất động sản nói chung và cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc không được giới siêu giàu ưa chuộng.

Không phải chứng khoán, giới siêu giàu Trung Quốc đổ xô đầu tư một loại tài sản khan hiếm, giá hàng chục tỷ nhưng ‘sơ hở’ là hết sạch- Ảnh 2.

Khung cảnh Thượng Hải, Trung Quốc

Tài sản nước ngoài

Những nhà đầu tư Trung Quốc giàu có bắt đầu nắm giữ nhiều loại tài sản đa dạng bao gồm tiền mặt, tín dụng tư nhân, quỹ đầu tư tư nhân, trái phiếu kho bạc Mỹ và chứng khoán trên thị trường phát triển.

Giám đốc Pau lưu ý người giàu Trung Quốc đang chuyển sang các sản phẩm có lợi suất cao, rủi ro thấp như trái phiếu kho bạc Mỹ, nhất là khi đã trải qua tổn thất với bất động sản và cổ phiếu trong nước.

“Điều này trái ngược với cách tiếp cận đầu tư đa dạng hơn của người giàu trên thế giới. Họ thường sẵn sàng phân bổ tiền vào các quỹ tương hỗ và danh mục đầu tư đa tài sản”, ông cho biết.

Nick Xiao, CEO của công ty Hywin International có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết các nhà đầu tư giàu có ở Trung Quốc phân bố tài sản ở quá nhiều ngân hàng và công ty môi giới. Nhưng họ lại không có tổng quan hợp nhất để đo lường hiệu suất.

Ông cho biết thêm: “Một số khách hàng Trung Quốc do thiếu kỹ năng đang chật vật để lựa chọn giữa vô số chiến lược quỹ đầu cơ quốc tế”. Một số khác vẫn chưa quản lý rủi ro một cách toàn diện, tức kết hợp các khía cạnh vĩ mô, địa chính trị và ngành vào các quyết định đầu tư của họ.

Sự khác biệt trong hành vi đầu tư này làm nổi bật tư duy và khẩu vị rủi ro riêng biệt của các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục so với người giàu ở những nơi khác trên thế giới.

Theo CNBC

Cùng chuyên mục

Đọc thêm