Cách tiếp cận thị trường mới để giải quyết bài toán nông sản từ vườn đến tay người tiêu dùng là yếu tố đã đưa Koina trở thành Agritech đầu tiên của Việt Nam trong 10 năm qua được các quỹ PE (Private Equity) đầu tư từ rất sớm.
Theo ông Lưu Hoàng Khoa, Giám đốc Điều hành Koina Investment Group (KIG – gọi tắt là Koina) nông hộ sẽ là đối tượng cốt lõi của hệ sinh thái công nghệ nông nghiệp (Agritech) mà đơn vị này xây dựng.
Ông có thể chia sẻ các cột mốc mà Koina đạt được đến thời điểm hiện nay?
Sau 5 tháng tập trung xây dựng hệ thống phân phối, Koina đã liên kết được đến trực tiếp vùng trồng và đưa được hàng nghìn tấn nông sản đến tay khách hàng. Để đáp ứng vận hành quy mô lớn và tăng hiệu quả hoạt động, Koina đã và đang triển khai các ứng dụng công nghệ để tạo sự khác biệt với cách tổ chức truyền thống. Như các hệ thống để số hoá thông tin nông nghiệp cho phép thu thập – kết nối và tối ưu thông tin ở từng bước. Các hệ thống quản lý việc lập kế hoạch (planning) và vận hành (execution) xuyên chuỗi theo thời gian thực.
Đây có phải là lý do vì sao Koina một đơn vị mới thành lập được 5 tháng nhận được sự quan tâm của một quỹ đầu tư PE? Và ông có thể chia sẻ sự khác biệt của các quỹ đầu tư PE và các quỹ đầu tư mạo hiểm?
Khẩu vị đầu tư của các quỹ PE (Private Equity - quỹ đầu tư tư nhân) sẽ khác so với các quỹ VC (Venture capital - đầu tư mạo hiểm). PE thường không tiếp cận các thương vụ đầu tư có rủi ro cao mà đánh giá rất cẩn thận khả năng thành công cũng như quy mô của một doanh nghiệp trước khi quyết định. Chính vì vậy, sự cam kết của PE cũng sẽ rất lớn. Không chỉ thể hiện qua số tiền cam kết đầu tư, PE còn sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để đưa các nguồn lực khác về con người, chuyên môn và các nghiên cứu có giá trị cho doanh nghiệp.
Tuy là một doanh nghiệp mới bước vào thị trường, Koina đã xây dựng được chiến lược và kế hoạch cụ thể để có thể tham gia nâng cao chuỗi giá trị của nông sản Việt, thông qua việc ứng dụng công nghệ ở từng khâu. Đó là lý do chúng tôi tìm được tiếng nói chung với các quỹ PE.
Trong 10 năm Việt Nam cũng đã có nhiều Argitech được thành lập, nhưng vì sao không nhiều các quỹ đầu tư PE đồng hành cùng, thưa ông?
Việc ứng dụng công nghệ vào khâu canh tác rất quan trọng vì có thể nâng cao được năng suất, tiêu chuẩn sản phẩm và hiệu quả canh tác. Hiện có nhiều Agritech phát triển chuyên sâu để cung cấp các giải pháp hỗ trợ này. Tuy nhiên để có thể nâng được giá trị nông sản thì cần có giải pháp xuyên chuỗi, đặc biệt là lưu thông hàng hóa, đưa hàng đến được nơi cần tiêu thụ. Bài toán tiêu thụ sẽ luôn là yếu tố đi trước để đảm bảo kinh tế cho nông dân, trước khi đưa vào các giải pháp tối ưu hóa.
Koina tập trung hơn vào các giải pháp xuyên chuỗi và liên kết với các đơn vị, bao gồm cả Agritech để có thể triển khai rộng hơn. Từ việc có thể phân phối nông sản với sản lượng lớn, Koina sẽ dần giúp nông dân tổ chức lại và tiếp cận với các công nghệ canh tác mới.
Nói một cách đơn giản nếu trước đây các Agritech tập trung đầu vào của ngành nông nghiệp như công nghệ trồng trọt, giống…chúng tôi sẵn sàng kết hợp với họ và dùng công nghệ của chính mình. Từ đó đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với chi phí tối ưu và chất lượng sản phẩm tốt nhất.
Nông nghiệp là bài toán khó, không thể giải quyết một khâu mà cần sự đồng bộ của toàn bộ chuỗi cung ứng.
Ông Lưu Hoàng Khoa, Giám đốc Điều hành Koina Investment Group.
Ông có thể chia sẻ rõ hơn đâu là nhân tố quan trọng nhất mà hệ sinh thái Koina phục vụ: nông dân, nhà vận chuyển, nhà bán lẻ?
Thật ra cả ba thành tố trên của chuỗi cung ứng đều là các mắt xích rất quan trọng Koina tham gia để giúp các bên giải quyết vấn đề hiện hữu của họ bằng công nghệ của mình.
Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển bền vững, nông dân là đối tượng chúng tôi tập trung đồng hành xuyên suốt vì đây là lực lượng quan trọng nhất. Họ đứng đầu chuỗi cung ứng và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất sản xuất.
Hiện nay, một chủ hộ nông dân đang ôm đồm nhiều việc từ trồng trọt, canh tác cho đến tìm người mua nông sản. Chúng tôi tin rằng khi đặt người nông dân về đúng vị trí của họ, họ sẽ tập trung chuyên sâu cho điều họ giỏi nhất là trồng trọt. Việc này là cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả từ đầu nguồn, từ đó tạo được giá trị lớn xuyên suốt chuỗi nông nghiệp.
Nhưng liệu các giải pháp Koina thực hiện có mâu thuẫn với lợi ích của các mô hình truyền thống hay không như các hợp tác xã thu mua ở địa phương, hay các đầu mối phân phối hàng hoá ở các thành phố?
Thay đổi để nâng cao tính hiệu quả của chuỗi cung ứng là việc cần thiết. Mỗi bên tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản đều đang có vai trò của mình và cũng sẽ dần thay đổi để tối ưu hơn. Koina đã kết nối đến nhiều bên trong chuỗi và luôn thấy được nhu cầu muốn thay đổi đó ở mỗi người, mỗi tổ chức mà Koina có cơ hội hợp tác.
Trong quá trình thay đổi để phát triển của chuỗi nông sản, chắc chắn sẽ có sự đào thải nhưng cần phải hiểu rõ đào thải ở đây là các mô hình quản lý, hoạt động không còn phù hợp với xu hướng hiện nay.
Ở Koina chúng tôi có các nhân sự với nhiều kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ vào vận hành. Chúng tôi luôn đặt mục tiêu giúp mỗi nhân tố trong chuỗi nông nghiệp có thể tiếp cận giải pháp mới, thay đổi và hiệu quả hơn.
Ông cũng có chia sẻ về phát triển nông nghiệp bền vững, tuy nhiên nông nghiệp công nghệ chỉ có thể áp dụng với quy mô lớn vì chi phí rất cao, Koina giải quyết bài toán này như thế nào?
Việc liên kết vùng trồng và tổ chức lại lực lượng nông dân sẽ là yếu tố quan trọng nhất để có thể cải thiện được chi phí. Song song việc tổ chức lại, Koina luôn tìm kiếm các nguồn lực trong và ngoài nước để có thể đầu tư tốt hơn với quy mô lớn. Các nguồn lực này thường khó khai thác được vì nhiều yếu tố, trong đó yếu tố sản xuất nhỏ lẻ là một nguyên nhân khá phổ biến.
Hiện tại Koina đang ở giai đoạn đầu của việc xây dựng Farmer Platform, một nền tảng công nghệ với mục tiêu kết nối nông dân để có thể tổ chức sản xuất và tương tác tốt hơn, nhanh hơn. Nền tảng này sẽ cần một khoảng thời gian nữa mới có thể đạt được thành tựu nhưng đây là bước quan trọng để thực hiện tầm nhìn của Koina đến 2025.
Xin cảm ơn ông.