Tài chính

MBS: Lạm phát được dự báo vẫn ở mức thấp, NHNN chưa cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ

Báo cáo phân tích vĩ mô tháng 5 mới đây của Chứng khoán MB (MBS) cho hay có ý kiến cho rằng, trong năm 2022 áp lực lạm phát tại Việt Nam khá lớn và nhiệm vụ kiềm chế lạm phát trong năm nay ở mức dưới 4% như Quốc hội đề ra gặp rất nhiều khó khăn; đề xuất Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, các chuyên gia của MBS cho rằng trước thực tế hiện nay, cầu tiêu dùng còn yếu, lạm phát tại Việt Nam trong năm 2022 được dự báo sẽ vẫn ở mức thấp, bất chấp giá xăng dầu và một số nguyên vật liệu có thể gia tăng. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước chưa cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê (GSO), CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước.

 

GSO cho biết giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, bên cạnh giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 5 tăng.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017 - 2020; lạm phát cơ bản tăng 1,1%. 

Trong quý I, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Tuy thấp hơn mục tiêu 6-6,5% của Quốc hội đề ra cho cả năm 2022, nhưng vẫn cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020.

 

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, chiếm 5,76% của mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, chiếm 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, chiếm 43,16%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất trong 4 tháng đầu năm trong các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5% vào năm 2023.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng, tại Việt Nam, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. IMF dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm