Trong tập 2 Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ mùa 5, Nguyễn Lê Vương và Trương Thành Đạt coFounder đến từ Vmeta, muốn gọi vốn 50.000 USD cho 5% giá trị công ty. Vmeta muốn xây dựng một sàn NFT dành cho những nghệ sĩ, những nhà sáng tạo, người nổi tiếng tại Việt Nam có thể phát hành sản phẩm thông qua NFT.
"Chúng tôi muốn mang văn hóa Việt Nam, nghệ thuật Việt Nam đến với thế giới thông qua việc xây dựng để kết hợp những bộ sưu tập về văn hóa nghệ thuật như áo dài, áo bà ba, đồ thủ công mỹ nghệ, trống đồng Đông Sơn, gốm sứ Bát Tràng,... để mang những sản phẩm này đến với toàn cầu và thông qua đó lan tỏa giá trị Việt Nam đến bạn bè thế giới", sáng lập Vmeta nói.
Vmeta mong muốn mang đến những mã NFT không chỉ là mã tĩnh mà còn là NFT động, mang lại những giá trị thật cho cuộc sống.
Số liệu từ startup cho thấy ở Việt Nam có 17% người dùng internet đang sở hữu NFT, tức là cứ 6 người sẽ có 1 người sở hữu NFT, và con số này sẽ ngày một tăng lên. Công nghệ NFT phát triển từ năm 2017, đến năm 2020, doanh số của NFT là 80 triệu USD nhưng đến năm 2021, đã đạt con số là 25 tỷ USD.
Ngoài ra những công ty đang phát hành NFT trên toàn cầu được định giá 100 triệu USD - 12 tỷ USD. "Vậy tại sao với sức sáng tạo người Việt Nam, chúng ta không thể làm một cái sàn đứng ngang với họ", Nguyễn Lê Vương đặt câu hỏi.
Đồng ý với những số liệu mà startup đưa ra, Shark Hưng cho biết: "NFT ở Việt Nam là một cuộc cách mạng khi tổng tài khoản NFT ở Việt Nam vượt rất xa tài khoản chứng khoán, đâu đó gần chục triệu. Tài khoản NFT mua bán rất kinh khủng. Chơi game - đặc biệt là game. Nhưng mô hình kinh doanh là cái các bạn cần quan tâm, khi nền tảng pháp lý để thừa nhận nó là chưa có".
Trả lời Shark Hưng, Vmeta cho hay, về mô hình kinh doanh, công ty sẽ giống OpenSea. Về thanh toán, họ sẽ sử dụng mô hình do Việt Nam chấp nhận và cả mô hình quốc tế. Nếu như những người nước ngoài mua NFT của Vmeta sẽ sử dụng phương thức thanh toán mà quốc gia đó chấp nhận để thanh toán.
Người bán NFT trên sàn sẽ phải trả từ 5-30% giá trị món hàng bán được, tùy vào sự hợp tác. Nếu như người bán đã phát hành được rồi, chỉ đưa lên nền tảng để bán thôi. Trường hợp thứ hai là nếu như hợp tác với người non-tech, Vmeta sẽ NFT hóa bản vẽ của người đó, sau đó làm thủ tục đưa lên sàn và marketing cho sản phẩm.
Chiến lược của Vmeta không dựa vào Google, Facebook để marketing mà dựa vào nghệ sĩ, người nổi tiếng để phát hành các bộ sưu tập NFT.
Để miêu tả cho công nghệ NFT, Vmeta đã sử dụng cuốn sách của Shark Liên. Startup này cho hay nếu Shark Liên phát hành 500 cuốn kèm 500 mã NFT thì không một đơn vị nào có thể làm giả sách của vị "cá mập" này.
Sau khi nghe xong phần trình bày của startup, Shark Liên ngay lập tức rút golden ticket để dành quyền đàm phán riêng với Vmeta. Bà cho hay bản thân rất cảm động khi startup cầm cuốn sách của bà.
"NFT, Metaverse,... giới trẻ các em đang tạo ra những xu hướng. Do đó, chị đồng ý với thỏa thuận này. Sau đó, chúng ta sẽ có buổi ngồi đánh giá thực tế xem các bạn có được cái gì. Chúng ta phải làm rất nhiều việc và phải đầu tư rất nhiều tiền để thực hiện giấc mơ chúng ta đang làm", Shark Liên nói.