Nếu một đứa trẻ được cha mẹ coi trọng vấn đề giáo dục ngay từ nhỏ, chúng sẽ sớm đạt được nhiều thành tựu trong cuộc sống. Trong quá trình giáo dục con cái, cha mẹ nên chú trọng tới 8 vấn đề dưới đây, biết càng sớm sẽ càng có lợi cho con cái sau này.
1. Cha mẹ là người có trách nhiệm nuôi dạy con cái
Có sự khác biệt trong cách nuôi dạy con cái giữa các thế hệ với nhau. Người chịu trách nhiệm chính đối với một đứa trẻ phải là cha mẹ chúng. Ông bà chỉ có thể hỗ trợ phần nào trong việc chăm sóc, không có nghĩa vụ và trách nhiệm trong vấn đề nuôi dạy cháu mình.
2. Nói không với bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều để lại những hậu quả lớn đối với con cái.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu trẻ bị bạo hành ở nhà, chúng có xu hướng phạm tội ở tuổi vị thành niên cao hơn.
3. Tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm của con cái
Dù là trẻ con nhưng chúng vẫn là một cá thể độc lập, cha mẹ cần phải vệ nhân phẩm và lòng tự trọng của con mình. Cha mẹ không được phép chế nhạo, lấy khuyết điểm của con cái ra chê bai trước mặt người khác, ở nơi công cộng không được đánh đập, mắng mỏ.
Sự khiêm tốn quá mức cũng có thể làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ. Chẳng hạn như khi trò chuyện với người khác trước mặt trẻ, cha mẹ khiêm tốn khi thấy người ta khen ngợi con mình bằng cách nói “con tôi nó còn vụng về lắm”, “thằng bé ở nhà lười lắm cô ạ”… Kiểu đối thoại này có thể có tác động tiêu cực đến đứa trẻ, khiến lòng tự trọng của chúng bị tổn thương.
Cách giáo dục tốt nhất vào lúc này là khen ngợi những điểm tốt trẻ trước mặt người khác, đứa trẻ nào cũng đều thích được cha mẹ công nhận.
4. Cho trẻ quyền lựa chọn
Một số cha mẹ có thói quen quyết định thay con cái vì cho rằng, tất cả những gì mình làm đều tốt cho con. Họ áp đặt suy nghĩ của bản thân lên con cái, không cho trẻ cơ hội đưa ra ý kiến của mình.
Nếu một đứa trẻ được cha mẹ sắp xếp, quyết định hết mọi thứ cho mình, chúng sẽ không tìm thấy giá trị của bản thân và ngày càng lệ thuộc vào cha mẹ hơn.
5. Nuôi dưỡng tâm lý quan trọng hơn vật chất
So với việc cung cấp đầy đủ cuộc sống vật chất cho con cái, cha mẹ nên đồng hành, giao tiếp với con, như thế có lợi cho sự phát triển của trẻ hơn.
Trẻ em cần cha mẹ quan tâm nhiều hơn tới cảm xúc, tính cách, đó đều là nền tảng tâm lý cho sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Một đứa trẻ không đột nhiên trở nên hư hỏng, ngỗ nghịch mà do các vấn đề đã bị tích tụ trong lòng quá lâu. Nhiều bậc cha mẹ bất lực và tuyệt vọng khi thấy đứa con mình nuôi nấng bấy lâu trở nên xa lạ, đáng sợ. Từ một đứa trẻ ngoan hiền bỗng thích dùng bạo lực. Nguyên nhân của điều này là do các vấn đề tâm lý của trẻ không được cha mẹ quan tâm trong thời gian dài.
6. Tính cách quyết định số phận của trẻ
Nhiều cha mẹ chỉ quan tâm tới kết quả học tập của con cái, xem điểm số quyết định vận mệnh tương lai. Trong khi đó, sự phát triển tính cách và nhân cách của trẻ ít được chú ý.
Trên thực tế, sự quyết định số phận lại là tính cách. Việc rèn luyện, định hình tính cách trước năm 12 tuổi rất quan trọng đối với trẻ và cha mẹ cần phải chịu trách nhiệm này.
Có một số tính cách hình thành trong những năm đầu đời sẽ theo trẻ đến suốt đời, muốn thay đổi cũng khó.
7. Phát hiện ra điểm mạnh của trẻ
Mỗi đứa trẻ đều có ưu và nhược điểm khác nhau, không thể so sánh với con của người khác.
Nhà tâm lý học Zeng Qifeng (Trung Quốc) từng nói có 3 kiểu cha mẹ:
- Thứ nhất, cho dù con làm gì, cha mẹ cũng chỉ trích con.
- Thứ hai, cho dù con làm gì, cha mẹ đều phớt lờ con.
- Thứ ba, cho dù con làm gì, cha mẹ cũng khuyến khích con.
Con cái đều muốn có cha mẹ thuộc kiểu thứ 3. Cha mẹ thông minh sẽ biết cách tìm ra ưu điểm của con mình và khuyến khích con phát triển nó.
8. Làm gương cho con cái noi theo
Con cái rất dễ bắt chước những hành động của cha mẹ mình. Một người cha thích uống rượu, con cái sau này cũng sẽ mê nhậu. Một người mẹ mê đọc sách, con cái sau này sẽ yêu thích kiến thức hơn.
Cách giáo dục đơn giản nhất là làm gương cho con cái noi theo. Đứa trẻ thích bắt chước hành động của cha mẹ hơn là nghe lý thuyết. “Nói đi đôi với làm” luôn là cách dạy con hiệu quả nhất.