Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, tính đến 6:50 ngày 13/6 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin tiếp tục đà giảm từ cuối tuần xuống mức thấp kỷ lục là 26.825,70 USD, mất khoảng 5,41% trong vòng chỉ một ngày. Đây là mức đáy mà Bitcoin chưa từng chạm tới kể từ 12/2020.
Trong tuần qua tổng giá trị của đồng tiền này đã thu hẹp chỉ còn 511 tỷ USD, tương đương với việc mất đi hơn 10% vốn hóa. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch lại tăng lên tới 25,34%.
Ethereum thậm chí còn chịu mức sụt giảm khủng khiếp hơn khi mất đi hơn 19% giá trị chỉ trong vòng một tuần, đạt mức thấp nhất trong khoảng một năm rưỡi.
Tổng giá trị của toàn bộ thị trường tiền mã hóa giảm chỉ còn 1.092 tỷ USD. Các đồng tiền mã hóa khác đều có mức sụt giảm hai con số trong một tuần.
Thị trường tiền mã hóa chị ảnh hưởng lan tỏa từ đà bán tháo trên thị trường chứng khoán. Kết thúc phiên giao dịch tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 880 điểm, mất đi 2,73% giá trị, xuống 31.392 điểm. Trong khi đó, S&P 500 mất đi 116,96 điểm và chỉ còn 3.900 điểm. Đặc biệt, chỉ số Nasdaq có nhiều công ty công nghệ đã giảm 414,2 điểm, tương đương 3,52%, về mốc 11.340 điểm.
Theo Kitco News, động lực vĩ mô chủ yếu ảnh hưởng đến thị trường tiền mã hóa là việc lạm phát tiếp tục ở mức cao. Vào tháng 5, lạm phát ở Mỹ đã tăng với tốc độ 8,6%/năm, mức cao nhất trong 40 năm qua, và thậm chí còn cao hơn mốc dự kiến là 8,3%.
Sau đợt bán tháo mới nhất, một lần nữa đẩy giá xuống dưới mức 30.000 USD, các nhà phân tích đang ngày càng bi quan với triển vọng của Bitcoin. Người sáng lập Fairlead Strategies và đối tác quản lý Katie Stockton nói với Kitco News rằng triển vọng ngắn hạn của Bitcoin đang "xấu đi".
Theo bà Stockton, hiệu suất kém trên thị trường chứng khoán cũng đè nặng lên Bitcoin. Nếu Bitcoin không thể giữ được mốc 27,000 USD, đồng tiền này có nguy cơ giảm xuống còn 19.000 USD.