Là một trong những gương mặt hiếm hoi đại diện cho ngành thời trang Việt tham gia các show diễn thời trang đình đám quốc tế, nữ doanh nhân Lưu Nga – CEO của thương hiệu Elise – luôn đặt ra những hướng đi khác biệt để phát triển thương hiệu của mình. Chỉ trong vòng 7 năm, với tài kinh doanh thiên bẩm, Lưu Nga đã đưa Elise từ một công ty nhỏ có vài chục nhân viên trở thành thương hiệu đứng đầu trong ngành thời trang Việt Nam với hàng ngàn người. Trò chuyện với nữ doanh nhân xinh đẹp này mới thấy, đằng sau một thương hiệu thời trang lớn mạnh, luôn là một CEO có tầm nhìn sâu rộng và niềm đam mê cháy bỏng, luôn khao khát chinh phục những đỉnh cao mới.
Làm việc ở Mỹ một thời gian dài, sau đó lại quay trở lại Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực thời trang. Điều gì đã đưa chị trở về, chọn và gắn bó với công việc này?
Tôi có hai năm sống và nghiên cứu ở Mỹ. Trong thời gian đó, tôi đã tiếp xúc rất nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng ở đây. Mỹ là một thị trường vô cùng lớn và đầy tiềm năng, phần lớn các sản phẩm thời trang đều Made in Vietnam, nhưng không có thương hiệu thời trang Việt Nam nào tại Mỹ. Lúc đó, tôi đã nảy ra ý tưởng xây dựng một thương hiệu thời trang của người Việt và mơ ước được nhìn thấy thương hiệu đó xuất hiện trong các trung tâm thời trang thế giới. Vậy là tôi quay trở về Việt Nam, bắt tay xây dựng Elise với giấc mơ được ươm mầm từ Mỹ.
Bước vào giới thời trang chưa lâu nhưng chị đã tạo được rất nhiều dấu ấn với thương hiệu Elise. Kinh nghiệm làm tài chính đã giúp chị hoạch định các chiến lược kinh doanh như thế nào?
Khi bắt tay vào xây dựng Elise, tài sản lớn nhất của tôi là niềm đam mê và khát khao được đưa thương hiệu thời trang Việt ra thế giới, bắt đầu từ việc chinh phục thị trường trong nước. Chính bởi niềm đam mê quá lớn đó mà trong thời gian đầu xây dựng thương hiệu, tôi quên mất mình là một người làm tài chính và ngoại đạo trong lĩnh vực thời trang.
Cũng vì thế, tôi đã gặp khá nhiều khó khăn, thậm chí có lúc phải đối mặt với nguy cơ thất bại. Để đến được ngày hôm nay là hành trình dài của sự học hỏi và nỗ lực không ngừng nghỉ, không chỉ của cá nhân tôi mà của cả một tập thể cộng sự đã sát cánh bên tôi từ những ngày đầu gian khó.
Chọn kinh doanh lĩnh vực thời trang công sở, trong khi ở VN rất nhiều các thương hiệu về thời trang đã tồn tại và có một lượng khách hàng bền vững, trung thành. Điều gì khiến chị tin tưởng rằng mình sẽ đạt đến thành công như ngày hôm nay?
Giấc mơ của tôi được ươm mầm từ khi còn học tập, nghiên cứu ở Mỹ và ngay từ khi bắt đầu, tôi cũng đặt mục tiêu đưa thương hiệu thời trang Việt ra thị trường quốc tế. Tôi có niềm đam mê với thời trang "hàng hiệu" - những thương hiệu hàm chứa cả giá trị lịch sử và nghệ thuật, giống như một tác phẩm được tạo ra từ những nghệ nhân thực thụ. Khi chọn mua quần áo, tôi không đơn thuần mua một bộ trang phục để mặc, mà mua một sản phẩm với sự trân trọng, yêu quý. Niềm đam mê, sở thích của bản thân đã thôi thúc tôi hướng tới việc sản xuất những sản phẩm thời trang cao cấp với giá thành phù hợp cho người Việt, đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.
Trong khoảng 3- 5 năm đầu tiên, tôi chỉ có 1-2 cửa hàng thời trang, nhưng vẫn không ngừng nói về giấc mơ "vươn ra thế giới" của mình, có người nghĩ rằng tôi bị hoang tưởng. Thực sự, hành trình của tôi trải qua rất nhiều thăng trầm, đối diện với sự hoài nghi của bạn bè, người thân… Nhưng đó cũng chính là động lực, cho tôi sức mạnh để tạo nên một Elise như ngày hôm nay.
Đầu năm 2019, khi Elise đang có trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và vận hành tốt, chị lại đưa ra quyết định hợp tác với đối tác Nhật Bản, lùi về phía sau để làm Giám đốc sáng tạo kiêm thành viên HĐQT. Tại sao có quyết định này?
Rất nhiều người đặt cho tôi câu hỏi này. Mọi người thắc mắc tại sao Lưu Nga lại có thể nhường vị trí cao nhất, đầy vinh quang cho những người kế nhiệm khi mình vẫn hoàn toàn có khả năng phát triển thương hiệu và đang là một CEO uy tín trong thị trường. Nhưng với tôi, đây là một bước tiến lớn, giúp tôi tiến đến gần hơn giấc mơ của mình là chinh phục thị trường quốc tế. Tôi không chỉ muốn xây dựng Elise trở thành một thương hiệu thời trang chuyên nghiệp, đẳng cấp mà còn đưa thương hiệu thuần Việt này ra thế giới.
Tôi luôn trung thành với mục tiêu đó, và bởi vậy, trong công ty, tôi cũng đặt ra tôn chỉ rằng trong Elise, không có ai là người quan trọng, ngay cả Lưu Nga cũng có thể có người thay thế, nhưng sự trường tồn và phát triển của thương hiệu là điều không thể thay đổi. Cũng vì thế, tôi luôn luôn tìm kiếm những người ưu tú hơn mình để kế thừa và lãnh đạo Elise, đưa thương hiệu lên những nấc thang mới và phải đạt được mục tiêu là chinh phục thị trường quốc tế.
Tôi tin tưởng rằng đối tác Nhật Bản với trình độ quản lý, sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm dày dạn có thể cùng tôi đưa Elise bước sang một giai đoạn mới, huy hoàng và vinh quang hơn. Tôi sẵn sàng lui về sau ánh hào quang để "đứa con tinh thần" của mình được toả sáng và lớn mạnh.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực thời trang, chị nhìn nhận thế nào về sự phát triển của thị trường thời trang Việt trong những năm gần đây?
Tôi luôn đánh giá thị trường thời trang Việt là một thị trường có tiềm năng vô cùng lớn và chúng ta đã đánh mất rất nhiều cơ hội, bị xâm nhập bởi một bộ phận lớn hàng Trung Quốc và hàng chất lượng kém, trôi nổi trên thị trường… Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều thương hiệu thời trang, nhưng vẫn vắng bóng những thương hiệu có sự đầu tư thực sự chỉn chu, hoàn chỉnh. Bởi vậy, phân khúc khách hàng cao cấp, những người yêu hàng hiệu là thị trường còn bỏ ngỏ. Đó là thách thức, cũng là cơ hội rộng mở cho Elise và tất cả những thương hiệu thời trang chứa đựng niềm đam mê và sự nghiêm túc, chỉn chu trong sự nghiệp.
Khởi nghiệp với vài chục nhân viên, giờ đây con số nhân viên của Elise đã lên đến vài nghìn người. Chị có thể chia sẻ bí quyết để dẫn dắt một tập thể nữ giới lớn như vậy?
Bản thân tôi là một người phụ nữ giàu cảm xúc, sống bằng cảm xúc. Tôi hay nói với nhân viên của mình rằng, nếu không có cảm xúc, tôi không thể làm được trong lĩnh vực thời trang cũng như bất kì công việc nào khác.
Cũng thật may mắn rằng, lĩnh vực mà tôi chọn lựa là một lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo và xúc cảm, bởi thế, những người làm việc cùng tôi, đa phần là nữ giới, cũng là những người phụ nữ rất giàu cảm xúc. Chúng tôi có niềm đam mê chung, có chung sự nhạy cảm và xúc cảm dồi dào tính nữ, nên không khó để tìm được tiếng nói chung. Tôi gần như đã không gặp khó khăn gì trong điều hành khi bắt đầu sự nghiệp với 20 nhân viên hay khi con số nhân viên đã lên tới hơn 2.000 người.
Còn nhớ, những ngày đầu khởi nghiệp. chúng tôi phải tiết kiệm chi phí tối đa để tập trung đầu tư vào sản phẩm, nên trong những chuyến công tác nước ngoài, tôi thường đi cùng với 6 – 7 nhân viên sáng tạo, thiết kế, marketing. Ngày đó, Elise còn là một công ty gia đình, trình độ tiếng Anh của nhân viên rất yếu, không đủ tự tin để giao tiếp. Trong những chuyến đi đó, tôi gần như trở thành người phiên dịch và một nhân viên kiêm nhiệm đủ việc, dù vị trí của mình là giám đốc. Sau những chặng đường đồng hành như thế để chung tay xây dựng thương hiệu, tôi nhận ra rằng, bí quyết để trở thành một người lãnh đạo tốt, có lẽ phải bắt đầu từ việc đặt mình vào vị trí là một nhân viên hoà đồng và tốt bụng.
Hoà đồng với nhân viên là một phẩm chất rất tuyệt vời của một người lãnh đạo, tuy nhiên, để dẫn dắt một tập thể cũng cần có "uy" đúng không, thưa chị?
Tôi cho rằng cái "uy" của người lãnh đạo hình thành từ nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là tác phong và thái độ đối với công việc. Tôi có thể là người rất tình cảm, rất xúc cảm, nhưng trong công việc thì tôi hoàn toàn nghiêm túc. Bởi vậy, không biết từ khi nào, nhân viên của tôi thường nói, chỉ cần thấy mùi nước hoa của tôi trong thang máy, hoặc nghe tiếng bước chân của tôi thôi là đã biết phải làm việc rất nghiêm túc, chỉn chu rồi.
Trong vai trò là một người lãnh đạo ở một lĩnh vực kinh doanh khá đặc thù, chị lựa chọn nhân sự chưa có kinh nghiệm và thích học hỏi hay là những người có kinh nghiệm và thể hiện được sự cá tính của mình?
Như bạn biết, tôi là người sống bằng cảm xúc, nên cách lựa chọn nhân sự của tôi cũng khá đặc biệt, rất là cảm tính. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng những người có kinh nghiệm thường hay ỷ lại vào kinh nghiệm để làm việc; còn những người chưa có kinh nghiệm lại thường có xu hướng học hỏi nhiều hơn, nhưng cũng hạn chế về kết quả.
Trong quá trình điều hành, quản lý doanh nghiệp, tôi luôn ưu tiên, ưu ái và đặt niềm tin vào những người mình đã lựa chọn, dù họ có nhiều hay ít kinh nghiệm thì đều là những nhân sự mà tôi sẽ dành tâm huyết, yêu thương và tận tình chỉ bảo.
Tôi chọn nhận sự dựa trên sự đam mê của từng cá nhân và sự thấu hiểu, đồng điệu trong tư duy. Không quan trọng kinh nghiệm nhiều hay ít, bạn vẫn có thể đạt được thành tựu tuyệt vời với niềm đam mê, nghiêm túc học hỏi và không ngừng nỗ lực làm việc. Đó là kinh nghiệm của tôi.
Vậy những nhân sự được lựa chọn để đồng hành cùng chị cần có những phẩm chất gì?
Tôi có xu hướng lựa chọn những người giống mình, tức là sống cảm xúc, chân thật và quyết liệt, mạnh mẽ trong công việc. Tuy cách lựa chọn của tôi rất cảm tính, nhưng cũng rất ít khi sai. Tuy nhiên, khi đã lựa chọn người cùng làm việc với mình, bạn sẽ phải đồng hành với họ, sát sao cùng họ, dẫn dắt họ để đạt được những thành tựu trong công việc.
Có những nhân sự do tôi phỏng vấn và lựa chọn, nhưng trong thời gian chuyển giao Elise, tôi không ở vị trí điều hành, không làm việc cùng họ và họ cũng không phát huy được tối đa năng lực của mình. Sau đó, khi tôi trở về vị trí là người sáng lập, giám đốc sáng tạo, đồng hành cùng nhân viên của mình, thì họ lại trở thành những người rất ưu tú. Kinh nghiệm đó giúp tôi hiểu rằng, việc truyền cảm hứng, chạm đến xúc cảm và cùng nhau chia sẻ mục tiêu, chia sẻ niềm đam mê là điều rất quan trọng, nó giúp chúng tôi có thể cùng nhau tiến những bước dài trong sự nghiệp.
Chị nhắc rất nhiều tới "đam mê", các startup bây giờ cũng nói rất nhiều về "đam mê", nhưng nhiều người vẫn loay hoay với "đam mê" của mình. Vậy theo chị, thế nào là "đam mê"?
Tôi nghĩ rằng có hai loại đam mê, là đam mê bản năng và đam mê do rèn luyện mà có. Bạn có thể chọn làm một công việc vì niềm đam mê, vì sở thích, hoặc bắt đầu một công việc và sau đó tạo cho mình niềm đam mê với nó. Tôi bắt đầu xây dựng Elise từ khát vọng tạo nên một thương hiệu thời trang Việt vươn tầm quốc tế, nhưng khi bắt đầu, tôi không có nhiều khả năng về thời trang. Từ khát vọng đó, tôi tạo ra niềm đam mê với thời trang, đó là niềm đam mê được rèn luyện, nhưng cũng mãnh liệt không kém đam mê bản năng.
Tuy nhiên, tôi nghĩ các bạn trẻ đang hơi lạm dụng "đam mê", vì đam mê mà không ra được tiền thì không phải là đam mê. Trong công việc, niềm đam mê sẽ tạo ra những năng lượng tích cực và đem lại kết quả tốt. Những kết quả tốt ấy dẫn dắt bạn tới thành công và đem lại lợi nhuận. Đó là khái niệm "đam mê" của tôi. Thực tế, tôi chưa bao giờ làm việc gì bằng tất cả đam mê mà lại không thành công cả. Như đối với Elise, ban đầu, người ta cho rằng tôi bị hoang tưởng khi luôn nói về ước mơ chinh phục thị trường quốc tế, nhưng bây giờ, sự hoài nghi mà họ dành cho tôi đã được trả lời bằng những thành tựu cụ thể. Tất cả đều nhờ vào đam mê.
Đam mê rất quan trọng, tuy nhiên, để đạt được thành công không chỉ dựa vào đam mê, vậy chị có lời khuyên nào cho các startup Việt?
Đầu tiên, bạn hãy yêu, rất yêu công việc của mình, tôn trọng và thực sự trân quý công việc đó. Quan trọng hơn là hãy tạo ra giá trị cho công việc của mình, thương hiệu của mình và chính bản thân mình. Hãy chỉn chu trong những công việc dù là nhỏ nhất, dù bạn bắt đầu với vị trí là một nhân viên, thì hãy làm thật tốt vai trò đó, coi đó là một bàn đạp vững chắc, sau đó, bạn mới có thể làm tốt ở những vị trí cao hơn, như là làm chủ của một thương hiệu do mình sáng lập. Và cuối cùng, hãy làm việc với tất cả năng lượng của mình, không chỉ 100% mà thậm chí là 200%, sự thành công chắc chắn sẽ không nằm ngoài tầm với.
Cảm ơn chị với những chia sẽ rất thú vị và hữu ích. Đầu xuân, CafeBiz xin được gửi lời chúc nữ doanh nhân Lưu Nga và thương hiệu thời trang của mình ngày càng phát triển và đạt được những thành tựu mới!