Nguyễn Bá Thiện Vinh (biệt danh bé Tom) từng gây xúc động trên chương trình "Điều ước thứ 7" cách đây 5 năm. Khi mới 33 tháng tuổi, Tom phát hiện bị mắc khối u não ác tính độ 4. Khối u nằm ở phía sau gáy, trên cột tủy sống, vị trí nguy hiểm nhất. Mạng sống của em phụ thuộc vào những đợt hóa trị, xạ trị kéo dài. Bệnh của em thuộc nhóm có diễn biến phức tạp và khó điều trị.
Ước mơ của em là được tham gia các hoạt động vui chơi như bạn bè cùng trang lứa, nhưng chưa một lần thành hiện thực. Sau hơn 5 năm kể từ những đợt hóa trị đầu tiên, chị Nguyễn Minh Hà (mẹ Tom) mới quyết định cho con tham gia giải chạy bộ cự ly ngắn Happy Run tại Đà Nẵng, ngày 12/3.
"Tom thích vận động, chạy nhảy. Nhưng mọi thứ phải được bác sĩ cho phép. Tôi luôn cố gắng để có thể cho con được va chạm, tiếp xúc thật nhiều với cuộc sống như tuổi thơ mình trải qua", chị Nguyễn Minh Hà chia sẻ.
Chị Hà quyết định cho con tham gia giải còn vì 5 năm qua, Tom đáp ứng tốt pháp đồ điều trị, sức khỏe có nhiều tiến triển. Đôi chân con yếu hơn các bạn đồng trang lứa, không thể chạy nhanh nhưng đi bộ thì có thể. Chị Hà cho rằng đi bộ là phương pháp rèn luyện sức khỏe đơn giản, mang lại hiệu quả cho rất nhiều người trong đó có Tom. Đi bộ còn rèn luyện tinh thần kỷ luật và tính bền bỉ, kiên trì.
Tom cũng là cậu bé hiếu động, từ nhỏ đã mê bóng đá. Em có thể đọc vanh vách tên các cầu thủ trong đội tuyển quốc gia Việt Nam. Tính cách lém lỉnh, hoạt ngôn, có tài quan sát và để ý mọi thứ xung quanh. Cậu bé cũng tò mò về thế giới và luôn đặt những câu hỏi về vạn vật quanh mình.
Do việc điều trị, Tôm học trễ một năm, giờ mới lên lớp hai. Hằng ngày cậu bé 8 tuổi vẫn xoay sở với các bài tập về nhà. Nhìn con học hành, đến trường và hòa nhập với bạn bè, người mẹ thấy hạnh phúc. Tom có nhiều bạn trong "khách sạn" - cách chị Hà gọi Khoa Ung bướu - Bệnh viện Nhi Trung ương. Ở đó, các em nhỏ đều ước mơ được đến trường nhưng lại không đủ thời gian thực hiện. "Vì thế, Tom có thể đến trường, được lớn khôn thực sự là điều may mắn và kỳ diệu. Con đã rất yêu cuộc sống này từ khi còn vô thức và tôi nghĩ cuộc sống đã trả lời rằng cuộc sống cũng yêu con", chị Minh Hà nói
5 năm là một quãng thời gian đầy thử thách và Tom đã vượt qua. Điều đó không có nghĩa là em đã khỏi bệnh. Mỗi ba tháng, hai mẹ con lại vào viện tái khám, chụp cộng hưởng từ, làm các xét nghiệm đánh giá. Theo lời bác sĩ, căn bệnh hiện tại ngủ yên nhưng có thể quay trở lại bất cứ lúc nào nên chị Hà luôn trong tâm thế sẵn sàng cùng con chiến đấu. "Tôi chỉ mong những tế bào ác tính sẽ ngủ yên càng lâu càng tốt. Cuộc sống này vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp để con khám phá, đất nước mình cũng có rất nhiều miền đất đẹp để con được đặt chân. Hơn 5 năm qua là chặng đường ý nghĩa nhưng thời gian sắp tới cũng vẫn sẽ là những thử thách mới mà con cần được chuẩn bị thật tốt sức khỏe", người mẹ tâm sự.
Chị nhớ những ngày đầu cùng con vào viện, không có nhiều sự lựa chọn, chỉ biết cùng nắm tay con tiến về phía trước. Trong khoa ung bứu, hai mẹ con gặp rất nhiều người cùng hoàn cảnh. Có những gia đình từ những miền quê rất xa như Hà Giang, Yên Bái, Điện Biên đến Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị... Bác sĩ chỉ khuyên gia đình cố gắng vì căn bệnh này khó trị dứt điểm. "Tôi chỉ biết cùng con đi tiếp. Tôi nằm lòng một câu nói là không phải vì nhìn thấy hi vọng mà cố gắng. Mà bởi cố gắng, nên mới được nhìn thấy hi vọng. Suy nghĩ ấy đó cho tôi thêm động lực, một cách thực tế nhất", chị Hà tâm sự.
Một người bạn khuyên chị Hà đưa Tom đi thật nhiều nơi để nhìn ngắm thế giới. Nghe lời khuyên, chị cùng Tom đi Đà Nẵng vào năm 2018. Đó là chuyến đi xa đầu tiên kể từ khi em mắc bệnh. 4 ngày ở Đà Nẵng, Tom được tham quan nhiều nơi, ngắm biển, nhìn những nơi trước đây chưa thấy bao giờ. Cậu bé thích thú và kể mãi về chuyến đi. "Tôi muốn con có cơ hội nhìn nhắm vẻ đẹp thế giới chứ không muốn chỉ phải gắn với kim tiêm, thuốc truyền. May mắn sau chuyến đi sức khỏe con ổn định và đáp ứng thuốc", mẹ Tom kể lại.
Ngày 12/3, hai mẹ con lại có cơ hội đến Đà Nẵng. Nghe tin mẹ cho đi chạy bộ tại thành phố yêu thích, Tom mừng rỡ, tíu tít cả ngày. Cậu bé mở TV, tìm những video về thành phổ biển, hỏi mẹ "Sao biển Đà Nẵng dài mà xanh ngắt?". Cự ly 1,35km của giải Happy Run có thể là một thách thức nhưng em không lo lắng. Chị Hà cũng tin có thể dễ dàng hoàn thành chặng đường này. Không đơn thuần là hoạt động thể thao, người mẹ tin con trai có thể tìm thấy niềm vui, có thêm nhiều dũng khí để chiến đấu khi được hòa mình cùng hàng nghìn người.
"Trước đây mọi người thường nghĩ trẻ em bệnh hiểm nghèo gắn với hình ảnh đáng thương, xót xa. Nhưng khi ở cùng các em, mình đã được nhìn thấy những nụ cười, sự lạc quan và hình ảnh đáng yêu của con và các bạn dù trong hoàn cảnh nào. Con và các bạn là những em bé đã truyền động lực mạnh mẽ cho mình cũng như các bố mẹ", mẹ bé Thiện Vinh chia sẻ. Cũng vì thế, suốt nhiều năm qua, chị có một nguyên tắc là không chia sẻ những hình ảnh mệt mỏi, xót xa của các bệnh nhi, mà chỉ có những ánh mắt hồn nhiên, những phút vui vẻ của các em.
Mẹ Tom muốn qua giải chạy, hành trình mang nụ cười và hạnh phúc đến trẻ em sẽ được viết tiếp. Mỗi lượt đăng ký chạy, ban tổ chức giải Happy Run sẽ ủng hộ một triệu đồng vào Quỹ Hy Vọng để giúp đỡ, cải thiện cuộc sống trẻ em vùng khó khăn. Số tiền quyên góp qua giải sẽ giúp thật nhiều trẻ em cả nước có cuộc sống tốt hơn.
Cuộc sống của cậu bé "Điều ước thứ 7" và gia đình còn được liên tiếp đón nhận những niềm vui. Tom đã lần lượt có thêm hai em gái. Cậu bé quan tâm, sẻ chia và dành tình yêu thương cho hai em nhưng đôi lúc cũng khiến mẹ đau đầu vì những trò nghịch ngợm. Cuối tuần, mẹ thường cho các anh em đi dạo Hồ Gươm, hoặc đi chơi công viên. Thỉnh thoảng, Tom cùng mẹ đến bệnh viện, thăm và tặng những món quà, tổ chức những buổi liên hoan nho nhỏ để thêm không khí vui tươi. Nhiều bạn nhỏ, phụ huynh nhìn cậu bé Tom hoạt bát, lanh lợi lại có thêm động lực để cố gắng. "Là một người mẹ, tôi luôn mong con có một cuộc sống giàu ý nghĩa, yêu thương, chia sẻ là những giá trị để tạo nên điều kỳ diệu", chị Minh khẳng định.