Trước tình trạng nạn săn trộm tê giác gia tăng, chính quyền tỉnh duyên hải KwaZulu-Natal, Nam Phi đã quyết định cắt bỏ sừng tê giác để cứu mạng sống chúng.
Hoạt động này bắt đầu từ đầu tháng 4 nhưng phải đến ngày 16-4 vừa qua mới được công bố với giới truyền thông.
Sừng tê giác được cắt thế nào?
Hiện có khoảng 27.000 con tê giác thuộc 5 loài khác nhau còn sót lại trên thế giới và Nam Phi là một trong những khu bảo tồn cuối cùng của tê giác. Hàng ngàn khách du lịch đến các khu bảo tồn thiên nhiên của đất nước này mỗi năm để chiêm ngưỡng loài động vật to lớn này.
Tuy nhiên sinh tồn của tê giác đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những kẻ săn trộm giết chúng để lấy sừng. Theo Bộ Môi trường Nam Phi, số lượng tê giác bị giết tăng từ 448 con vào năm 2022 lên 499 con vào năm 2023. Chỉ riêng trong năm ngoái, 325 con tê giác bị sát hại ở tỉnh KwaZulu-Natal, chiếm 2/3 tổng số tê giác bị giết.
Việc cắt sừng tê giác không phải là biện pháp mới mà đã bắt đầu được áp dụng ở Zimbabwe và Namibia vào cuối những năm 1980. Đến năm 2014, hoạt động này lan rộng sang một số khu vực của Nam Phi với những kết quả tích cực.
Thủ tục cắt sừng tê giác cũng rất phức tạp. Đầu tiên con vật phải được gây mê (thường là phi tiêu được bắn từ trực thăng). Sau đó người ta phải che mắt và tai để con vật ít cảm thấy nhất có thể. Sau đó sừng được cắt bằng cưa máy, để lại khoảng 10 - 15cm ở phần gốc.
Sừng được tạo thành từ hỗn hợp canxi, melanin và keratin và có cấu trúc tương tự như móng ngựa. Quy trình này không gây đau đớn cho tê giác và kết thúc sau khoảng 15 phút.
Vấn đề là vì chiếc sừng phát triển tới 12cm mỗi năm nên cần phải cắt lại sau khoảng 18 - 24 tháng nếu muốn cứu con vật khỏi những kẻ săn trộm. Vườn quốc gia Kruger lớn nhất Nam Phi ước tính mỗi hoạt động tốn khoảng 430 USD.
Cả chương trình cắt sừng tê giác tại Vườn quốc gia Kruger và tại khu bảo tồn Hluhluwe-iMfolozi ở tỉnh KwaZulu-Natal đều được Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) hỗ trợ. Chương trình này cũng được đa số các nhà bảo tồn ủng hộ, coi đây là một biện pháp đáng tiếc nhưng cần thiết trước tình trạng săn trộm gia tăng.
Tê giác ít tương tác hơn sau khi mất sừng
Mặc dù chính quyền Zimbabwe trước đây tuyên bố rằng việc cắt sừng tê giác không có tác động tiêu cực đến loài vật này, nhưng nghiên cứu gần đây lại chỉ ra điều ngược lại.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2023 trên tạp chí khoa học Kỷ Yếu của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia (PNAS), do giáo sư Vanessa Duthé từ Đại học Neuchatel (Thụy Sĩ) điều phối, cho thấy quá trình này làm thay đổi hành vi của tê giác.
Những con tê giác bị mất sừng thường có khuynh hướng giảm phạm vi sống và ít tương tác hơn với những con tê giác khác.
Sau khi theo dõi kỹ lưỡng 368 con tê giác đen trong 15 năm tại 10 khu bảo tồn Nam Phi, Tiến sĩ Duthé và các đồng nghiệp đã kết luận rằng việc cắt sừng có tác dụng bảo vệ chúng khỏi nạn săn trộm và không làm tăng tỉ lệ tử vong tự nhiên.
Tuy nhiên họ cũng quan sát thấy những con vật bị mất sừng đã giảm tới 45% phạm vi sống của chúng và ít có khả năng gặp những con tê giác khác hơn.
Đối với những con tê giác đực có ưu thế to lớn, chúng thường tích cực tuần tra quanh khu vực sinh sống. Nhưng sau khi bị mất sừng, chúng đã giảm số lần tuần tra.
Theo ý kiến của chuyên gia, việc cắt sừng có thể khiến tê giác rơi vào cái gọi là “bẫy sinh thái”. Nói cách khác, tê giác giảm phạm vi sinh sống và có ít khả năng tiếp cận tài nguyên hơn so với khi chúng còn sừng.
Nhưng tiến sĩ Duthé cũng cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy sự tăng trưởng của dân số tê giác nói chung sẽ bị ảnh hưởng và những tác động lâu dài vẫn chưa được xác định, vì vậy các nghiên cứu về di truyền là cần thiết.