Ra mắt khán giả Hong Kong khi 15 tuổi, ban đầu Trần Mỹ Linh đi hát thiện nguyện gây quỹ cho trẻ em nghèo. Tài năng của cô được phát hiện và đã trở thành ca sĩ nổi tiếng chỉ sau một album được thu âm. Năm 17 tuổi, Trần Mỹ Linh quyết định sang Nhật Bản phát triển sự nghiệp.
"Ngày đó không như bây giờ, chỉ có vài thần tượng và tất cả người hâm mộ đều dồn chú ý vào chúng tôi", Mỹ Linh nói.
Sự nổi tiếng của Trần Mỹ Linh được ví sánh ngang với hai ca sĩ nổi tiếng cùng thời là "Nữ hoàng nhạc pop vĩnh cửu của châu Á" Đặng Lệ Quân và Yamaguchi Momoe người Nhật.
Ở tuổi 30, cô kết hôn với người quản lý cũ của mình và sinh con trai đầu lòng. Sự xuất hiện của con khiến Mỹ Limh vô cùng hạnh phúc. Lúc đó đang là đỉnh cao sự nghiệp, Mỹ Linh mang con theo khắp nơi để cho con được bú mẹ.
Không ngờ hình ảnh nữ ca sĩ nổi tiếng cho con bú ở nơi làm việc trở thành hiện tượng và gây ra những ý kiến trái chiều. Xã hội Nhật Bản ngày đó thường cho rằng phụ nữ sau khi làm mẹ phải ở nhà chăm sóc con cái.
"Có một thời gian, tôi bị quấy rầy bởi những bình luận tiêu cực, vu khống, tin đồn và dư luận công kích rằng: Cô ấy là người Trung Quốc, có đang đảo ngược mọi truyền thống của Nhật Bản không?", Trần Mỹ Linh chia sẻ.
Chưa bao giờ nghĩ cô nghĩ đến việc phân biệt giới tính. Nhưng cuộc tranh cãi này khiến cô phải suy nghĩ rất nhiều, rằng "nếu một người phụ nữ phải mất đi sự nghiệp, danh tiếng, tính mạng để sinh con, thì còn ai sẵn lòng?"
Sự việc "cho con bú nơi công cộng" của Mỹ Linh nổi tiếng tới nỗi tạp chí Time cũng đưa tin. Và xuất phát từ đây, nước Nhật đã cho ra đời Đạo luật cơ hội bình đẳng làm việc đầu tiên năm 1985. Một nữ giáo sư của Đại học Stanford đã liên hệ Mỹ Linh, đề nghị hãy đến Mỹ học. "Bạn có thể lấy bằng tiến sĩ và tìm hiểu về xã hội, giới tính, kinh tế. Với những nghiên cứu có hệ thống hơn, bạn có thể giúp các thế hệ phụ nữ có một tương lai tốt đẹp hơn".
Được truyền cảm hứng, Trần Mỹ Linh quyết định từ bỏ ca hát để theo đuổi con đường học vấn. Vừa chăm con, cô vừa ôn luyện và đã vượt qua kỳ thi đầu vào tiến sĩ. Nhưng cũng lúc này cô phát hiện mang thai con thứ hai. Trước tình thế đó, cô đành nói với giáo sư không đi học được. Nữ giáo sư trầm mặc vài giây, hỏi: "Bạn lại có con nữa à?".
Bà mẹ trẻ ngạc nhiên, còn chưa kịp hỏi vì sao thì giáo sư đã nói: "Nhiều phụ nữ từ bỏ những gì họ muốn làm vì lý do này. Còn bạn thì sao, sau này bạn có muốn nói với con rằng 'Mẹ có thể đã đến Đại học Stanford lấy bằng tiến sĩ, nhưng đã bỏ qua cơ hội vì con?".
Câu này đã tiếp sức mạnh cho Trần Mỹ Linh. Cô mang theo con đang tuổi biết đi và một cái thai sang Mỹ vào năm 1989, theo học tại khoa Giáo dục của Đại học Stanford. Vừa chăm con vừa học vô cùng vất vả. Mỗi sáng, cô thức dậy vào khoảng 8 giờ, đưa con đến trung tâm chăm sóc rồi đi học. Chiều muộn, cô vội vã đón con về, cho ăn, tắm rửa rồi ngủ. Khi hai con say giấc, cô mới bắt đầu quá trình học tập và thường chỉ đi ngủ lúc 4-5h sáng mỗi ngày.
"Tôi trân trọng cơ hội hiếm có này nên mỗi ngày đều dành thời gian cho niềm vui đọc sách và cũng hạnh phúc trong niềm vui nuôi dạy con", cô chia sẻ.
Hơn hai năm sau, cô trở lại Nhật Bản để viết luận án. Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất vì một vai gánh ba việc gồm nuôi con, viết luận văn và làm việc. Thời đó chưa có Internet và việc chạy dữ liệu trên máy tính kém thuận tiện. Có đêm khi đang viết luận, con trai thứ hai kéo chăn chạy đến gầm bàn ôm chân mẹ ngủ. Một lúc sau, con trai lớn cũng đến ôm chân còn lại của mẹ mà ngủ.
Sau này, người mẹ trải sàn cho phòng làm việc, để hai con ngủ cạnh, còn mình viết luận. Sau hai năm cật lực, cuối cùng nữ ca sĩ ngày nào đã thành công lấy được bằng tiến sĩ giáo dục. Cô bắt đầu đi dạy, viết sách, trở thành đại sứ của UNICEF. Không chỉ đóng góp cho ngành giáo dục, nuôi dạy con cái, Mỹ Linh còn truyền cảm hứng cho những phụ nữ khác quay trở lại trường học, tự tin hơn để tiếp tục học tập, làm việc sau khi kết hôn và sinh con.
Những năm gần đây, Trần Mỹ Linh càng thêm nổi tiếng vì nuôi ba con vào Đại học Stanford. Những bí mật nuôi dạy con của bà đã xuất bản thành sách và truyền cảm hứng cho các bậc cha mẹ.
Gần đây, con trai cả của Mỹ Linh có con. Bà sẵn sàng giúp đỡ, nhưng không chấp nhận các con giao toàn quyền chăm cháu cho mình, bởi luôn xác định "mọi trách nhiệm giáo dục con cái đều phải do cha mẹ gánh vác". Hơn nữa, bà cũng muốn con trai và con dâu trải qua cảm giác làm cha mẹ, vừa ngọt ngào vừa cay đắng và các con cũng sẽ quấn cha mẹ nhiều hơn.
Hiện sinh sống cả ở Nhật Bản và Hong Kong, những nơi có tỷ lệ sinh thấp rất nghiêm trọng. Hơn ai hết, tiến sĩ giáo dục này hiểu có con là một điều mạo hiểm, tiêu tốn nhiều sức lực và tiền bạc, nhưng cũng có rất nhiều hạnh phúc.
Bà bộc bạch, sâu thẳm trong trái tim mỗi người, ai cũng khao khát được tiếp xúc với một điều gì đó chưa biết, và trải nghiệm làm mẹ là một trong số đó. Thật sự rất ngạc nhiên, bên trong cơ thể bạn có một sinh linh bé nhỏ dần thành hình, sau khi sinh ra sẽ có một số nét giống bạn. Và theo từng bước đứa trẻ lớn lên, cha mẹ có thể mỉm cười hạnh phúc cả ngày.
Gia đình Mỹ Linh có truyền thống ăn tối cùng nhau dù bận thế nào đi nữa. Có một lần chồng đi công tác, hai con lớn đi du học, con út phải đi dự tiệc. Nhưng bất ngờ lúc Mỹ Linh đang ngồi trên bàn ăn thì chuông cửa vang lên, cậu con trai út đã đứng đó thở hổn hển và nói: "Mẹ ơi, con không thể để mẹ ăn một mình được". Ăn xong cơm với mẹ, cậu lại chạy đi dự tiệc với bạn bè.
Cũng chính người con này vào giai đoạn Mỹ Linh bị ung thư vài năm trước, mỗi ngày đều tìm một câu chuyện cười kể để mẹ cười nhiều hơn. "Thật tuyệt khi có con. Còn ai khác có thể làm điều đó với bạn ngoại trừ con mình?", bà nói.
Khi 50 tuổi, Mỹ Linh lên kế hoạch nghỉ hưu ở tuổi 60. Lúc đến tuổi này, bà lại nói sẽ nghỉ hưu tuổi 65. Hiện 68 tuổi, bà vẫn còn nhiều công việc đã lên kế hoạch cho năm sau và không biết liệu mình có thể nghỉ hưu tuổi 70 hay không.
"Hệ thống giáo dục của chúng ta vẫn còn chỗ cần cải thiện và tôi hy vọng có thể giúp các bậc cha mẹ trẻ nuôi dạy con cái họ dễ dàng và đam mê hơn", bà nói.
(Theo Zhuanlan)