Tài chính

Lần theo dòng tiền gần 20 tỷ đồng của nạn nhân, công an "tóm" công ty chuyên "rửa tiền" tại Việt Nam

Lần theo dòng tiền gần 20 tỷ đồng của nạn nhân, công an

(Ảnh minh hoạ)

Mua bán tài khoản ngân hàng để "rửa tiền" 

Theo Toà án Nhân dân thành phố Hà nội, sắp tới đây, cơ quan này sẽ đưa 21 bị cáo trong vụ án chị Nguyễn Thị L (SN 1985, ở Hà Nội) bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 20 tỷ đồng thông qua việc làm cộng tác viên online.

Thông qua hồ sơ vụ án, lần theo dòng tiền của chị L, công an đã lật tẩy nhóm tội phạm 777pay thuộc Cty Jinbian (trụ sở ở Campuchia) - chuyên "rửa tiền" trên thị trường Việt Nam. Bộ phận 777pay đã cung cấp các tài khoản ngân hàng để các đối tượng lừa đảo hướng dẫn chị L chuyển tiền nhằm chiếm đoạt.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra cũng xác định có 119 tài khoản ngân hàng liên quan. Xác minh 34 tài khoản do Bộ phận 777pay quản lý và sử dụng, có 10 tài khoản ngân hàng không có người đăng ký thông tin chủ tài khoản như trong hồ sơ.

Tiếp tục xác minh các tài khoản khác, cơ quan điều tra làm rõ có trường hợp công khai mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội Facebook.

Cụ thể, vào đầu tháng 7/2022, một đối tượng sử dụng tài khoản Facebook "Vanh Nguyễn" đăng bài trên nhóm "Tìm việc làm Hà Nội"với nội dung "Tuyển 10 người đứng tên đăng ký mở tài khoản Ngân hàng để chạy quảng cáo cho các sàn thương mại điện tử". Chị Cấn Hải Y. đã nhắn tin cho đối tượng trên và được đối tượng thuê mở tài khoản với giá 200.000 đồng/tài khoản.

Đối tượng đã thuê một người xe ôm liên hệ với Y. để giao 6 sim điện thoại cho Y. sử dụng đăng ký mở tài khoản ngân hàng. Chị Y. trực tiếp mở tài khoản ngân hàng và nhờ mẹ ruột, anh rể; thuê bạn học, hàng xóm, em họ mở tài khoản với giá 150.000 đồng/tài khoản.

Cảnh báo về bẫy rủi ro bán, cho thuê tài khoản ngân hàng 

Trước tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng, thực hiện hành vi lừa đảo tinh vi trên không gian mạng, mới đây, Công an thành phố Hà Nội đã phát đi cảnh báo về "bẫy" rủi ro khi bán, cho thuê tài khoản ngân hàng.

Theo công an thành phố Hà Nội, hiện nay việc mua bán tài khoản ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo là một vấn đề đáng báo động. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, cũng như triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn để bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra và ngày càng lan rộng.

Theo công an thành phố Hà Nội, các đối tượng sử dụng hàng trăm hội nhóm ở trên không gian mạng, thông qua mạng xã hội như Facebook, Telegram, Zalo... rồi đăng tải công khai các thông tin mua bán tài khoản ngân hàng.

Với số tiền vài trăm nghìn đồng chúng có thể mua bán một tài khoản ngân hàng, bao gồm cả thẻ vật lý và sim điện thoại đăng ký cho dịch vụ Mobile Banking.

"Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại lớn về mặt tài chính cho nạn nhân mà còn làm suy yếu niềm tin vào hệ thống tài chính và ngân hàng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm rửa tiền, đánh bạc và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự", công an thành phố Hà Nội nêu rõ. 

Đơn vị này cũng cho biết, hiện nay có nhiều ngân hàng có những chính sách để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp người dân dễ dàng trong việc mở tài khoản. Chính vì vậy, các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi mua bán trái phép các thông tin tài khoản.

Tiếp đó, các đối tượng lừa đảo sẽ tìm những người có cùng tên với tài khoản trên mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng có thể xâm nhập thẳng vào các tài khoản facebook, hoặc gửi các đường link ở trên mạng xã hội để cài cắm các mã độc. Thậm chí gửi các mail chứa các đường link dẫn đến các web nhằm mục đích cướp tài khoản. Cụ thể, có thể kể đến các thủ đoạn:

Thứ nhất, mua bán trực tuyến. Các đối tượng lừa đảo thường tìm các tài khoản ngân hàng có sẵn trên các diễn đàn hoặc thông qua các mạng xã hội trên các web chúng đăng tải trực tiếp, hoặc tìm kiếm những người sẵn sàng bán, hoặc cho thuê tài khoản của mình thực hiện giao dịch.

Thủ đoạn thứ hai, các đối tượng có thể thuê các tài khoản ngân hàng từ những người sở hữu với mục đích tạm thời thực hiện các giao dịch trên không gian mạng. Người sở hữu tài khoản có thể không biết mục đích sử dụng thực sự tài khoản của mình.

Thủ đoạn thứ 3, tạo các tài khoản giả, lợi dụng các giấy tờ tùy thân giả mạo, hoặc sử dụng các thông tin cá nhân bị đánh cắp, các đối tượng lừa đảo có thể mở các tài khoản ngân hàng. Những tài khoản này sau đó được sử dụng với các mục đích là thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ 4, lợi dụng các tài khoản của người thân, bạn bè, lợi dụng sự quen biết hoặc giả danh nhân viên ngân hàng đang thực hiện chỉ tiêu mở tài khoản thẻ, cần số lượng lớn, đạt thành tích tốt. Do đó, người người đứng tên mở tài khoản.

Thủ đoạn thứ 5 là sử dụng công nghệ cao, các đối tượng lừa đảo đánh cắp danh tính của một số người dùng. Mục đích của hành động này là thu thập các video quay trực tiếp lên khuôn mặt của các nạn nhân để phục vụ cho xác thực điện tử nhằm qua mặt hệ thống của các ngân hàng.

Bằng thủ đoạn này, chúng có thể tạo tài khoản theo tên một người cụ thể. Qua đó, nạn nhân chẳng hề hay biết gì việc tạo tài khoản. Những tài khoản ngân hàng giả nhưng mà thật này sau đó được cung cấp cho phía người đã đặt mua để thực hiện theo đúng yêu cầu của bọn chúng.

Cũng theo Công an Hà Nội, khi người dân cho thuê, hoặc bán tài khoản ngân hàng thì họ có thể gặp phải một loạt các rủi ro nghiêm trọng, không chỉ về mặt pháp lý mà còn liên quan đến tài chính, uy tín và an ninh cá nhân.

Thậm chí, có thể bị điều tra, truy tố về hành vi liên quan đến các giao dịch vi phạm pháp luật ngay cả khi không tham gia trực tiếp vào hoạt động lừa đảo họ vẫn có thể bị coi là đồng phạm hoặc có thể coi hành vi đó là tiếp tay cho tội phạm.

Với các đối tượng có thể bị xử lý về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm