Cuối năm 2021, cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài hơn 98km đã cơ bản hoàn thành thi công phần móng nền.
Theo TTXVN, cao tốc Cam Lộ - La Sơn có 11 gói thầu, hiện tại các gói thầu số 1, 2, 4, 8, 9, 10, 11 đang triển khai thảm bê tông nhựa. Hình dáng của tuyến cao tốc mới uốn lượn qua những sườn đồi, cánh đồng rộng lớn kết nối giữa tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế đang dần hình thành.
Hiện nay tuyến đường đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ cùng với việc đảm bảo chất lượng cao nhất, phấn đấu về đích trong tháng 9 năm nay, trước một tháng so với kế hoạch.
Ông Nguyễn Thành Vinh, đại diện Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu đã rà soát lại khối lượng công việc của từng gói thầu, nhà thầu, từ đó vạch ra tiến độ chi tiết để triển khai thực hiện.
Giải pháp được đưa ra là tăng thiết bị, nhân lực và tăng ca làm việc. Một số vị trí đất yếu phải gia tải ở gói thầu số 8, tư vấn thiết kế cũng rà soát tính toán lại để tăng tải thêm qua đó rút ngắn thời gian gia tải.
Tuy nhiên một số “nút thắt” trên tuyến cao tốc này như đất đắp nền đường còn thiếu 370.000 m3 và giải phóng mặt bằng Cây xăng Hưng Phát tại xã Hương Thọ, thành phố Huế vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tiến độ về đích của dự án.
Ông Nguyễn Thành Vinh, đại diện Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cho biết: Đây là công trình trọng điểm quốc gia nên cùng với đảm bảo tiến độ, vấn đề chất lượng công trình cũng được chủ đầu tư đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh đội ngũ tư vấn giám sát của dự án thường xuyên bám sát công trường, chủ đầu tư còn thuê đội ngũ tư vấn kiểm định độc lập, để kiểm định chất lượng ở từng gói thầu. Tại mỗi hạng mục của gói thầu, trước khi nghiệm thu, thanh toán, đều được tiến hành kiểm định kỹ thuật, nếu không đảm bảo lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh sẽ yêu cầu nhà thầu làm lại.
Tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có nhiều cây cầu bắc qua sông, cầu chui dân sinh, việc thi công cầu đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao; phần lớn các cây cầu hiện nay cơ bản hoàn thành, đang hoàn thiện lắp lan can và đắp vật liệu dạng hạt.
Cầu Tuần bắc qua sông Hương đoạn qua thành phố Huế là cây cầu lớn nhất trên tuyến cao tốc được thiết kế có chiều dài 416m, mặt cắt ngang dài 22,5m ở giữa có dải phân cách. Cầu Tuần được thi công từ tháng 3/2020 đến nay tiến độ đạt 80%, đã hoàn thành hợp long giai đoạn 1 vào tháng 1/2022.
Ông Nguyễn Khắc Khải, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng công trình giao thông 2 cho biết, hiện nay 3 nhà thầu đang thi công giai đoạn 2 mở rộng cánh hẫng của cây cầu. Tại công trường, các nhà thầu đã tăng cường thiết bị máy móc chuyên dụng gồm 5 bộ xe đúc mở rộng, luôn bố trí công nhân làm tăng ca, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành cầu vào 30/6/2022. Giám sát cũng được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ đảm bảo thi công đúng với thiết kế kỹ thuật.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn là 1 trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông được khởi công từ tháng 9/2019, có tổng chiều dài xây dựng là 98,35 km, đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế; trong đó, đoạn tuyến của tỉnh Thừa Thiên – Huế là 66,4 km.
Theo lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, tiến độ chung của dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện hoàn thành đạt 76% khối lượng công việc. Đối với những gói thầu sau khi hoàn thành thảm bê tông nhựa sẽ tiến hành thi công kẻ vạch đường, đặt giải phân cách cứng, cọc tiêu, lắp đặt biển báo, hàng rào bảo vệ… trước khi nghiệm thu tổng thể đưa vào hoạt động
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Giai đoạn đầu, dự án được đầu tư với quy mô hai làn xe, bề rộng nền đường là 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc này sẽ có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m.
Khi tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn hoàn thành sẽ kết nối với đoạn tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, gắn kết với tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, hình thành hệ thống cao tốc dài hàng trăm km ở khu vực miền Trung. Qua đó, tạo tiền đề phát triển liên kết vùng trong sản xuất, lưu thông hàng hóa và đánh thức tiềm năng phát triển của các tỉnh, thành phố mà tuyến cao tốc đi qua.