Nạn nhân là những người mẹ

Nhiều người lớn tuổi đang trở thành "mồi ngon" của các đối tượng lừa đảo trực tuyến
ẢNH: KHANG KA (TẠO BẰNG AI)
Anh L.T.T, ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), chia sẻ về nỗi buồn khi mẹ mình trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Anh kể: "Mẹ tôi bị kẻ lạ mặt làm quen qua mạng tự xưng là giáo sư tiến sĩ có thể hack vào web tài xỉu để biết trước kết quả. Để tạo niềm tin, ban đầu hắn dụ mẹ tôi nạp 300.000 đồng rồi thắng liên tiếp 5 lần, mỗi lần thắng 100.000 đồng, tổng cộng tiền lãi 500.000 đồng. Xong hắn bảo mẹ tôi rút thử thì đúng là rút được thật. Kể từ lúc đó, mẹ tôi tin tưởng hắn không còn ai cản nổi. Tiền không có, bà bắt đầu đi mượn khắp nơi, bảo có việc mấy ngày nữa trả, sau đó nạp vào cả chục triệu đồng. Tôi khuyên can nhưng mẹ không nghe, còn mắng xối xả là bất kính với giáo sư tiến sĩ và bắt tôi phải gọi người đó là thầy. Hiện giờ, tôi không biết phải làm sao để khuyên nhủ cho bà hiểu".
Cùng trong hoàn cảnh tương tự, chị Đ.P.Y, ngụ tại Bình Dương cho biết mẹ của mình lâm vào cảnh mê muội không còn ai can ngăn được. Chị kể: 'Mẹ tôi lên mạng và làm quen với một người tự giới thiệu là lính Mỹ về hưu. Được một thời gian thì người này bắt đầu rủ rê mẹ tôi tham gia đầu tư tài chính, chỉ cần gửi tiền cho người này đầu tư thì 1 lời 10. Nói như thế mà mẹ tôi cũng tin sái cổ và làm theo những gì người bạn quen qua mạng rồi đi vay mượn khắp nơi để chuyển cho hắn. Con cái trong nhà khi biết chuyện đều can ngăn nhưng mẹ không nghe mà còn chửi mắng lại nên tôi rất khổ tâm".
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu nói, hiện nay, thủ đoạn lừa đảo qua mạng hết sức tinh vi và không chừa bất cứ đối tượng nào, từ người già, người nghèo, đến người thất nghiệp, trẻ em… Ngày càng nhiều người cao tuổi trở thành nạn nhân của lừa đảo công nghệ cao, từ giả mạo người thân, lừa trúng thưởng, đến giả danh cơ quan chức năng. Tội phạm mạng nhắm vào người lớn tuổi vì họ thường nhẹ dạ, dễ tin người lạ, thiếu kỹ năng công nghệ, ít cảnh giác với thủ đoạn tinh vi, ngại hỏi con cháu vì sợ làm phiền.
50% vụ lừa đảo nạn nhân là người cao tuổi
Theo Công an TP.HCM, có đến 50% vụ án lừa đảo mà nạn nhân là người cao tuổi xuất phát từ việc họ sợ liên lụy đến con cháu và không am hiểu về công nghệ. Đây chính là những yếu tố khiến các đối tượng lừa đảo lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn hù dọa, khiến người cao tuổi hoảng loạn và dễ dàng làm theo yêu cầu của chúng.
Điều đáng báo động là nhiều nạn nhân bị lừa đảo nhiều lần cho đến khi cạn kiệt tài sản mới tìm đến sự giúp đỡ của người thân. Một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến mà các đối tượng thường sử dụng, bao gồm: giả danh cơ quan chức năng; giả mạo tai nạn; giả mạo nhân viên nhà mạng. Bên cạnh đó, còn có các hình thức lừa đảo khác như: giả mạo nhận quà tặng; kêu gọi từ thiện; chuyển nhầm tiền; giả mạo khuôn mặt và giọng nói bằng Deepfake AI; giả mạo tin nhắn trúng thưởng từ các trang thương mại điện tử và dụ dỗ tình cảm sau đó rủ rê đầu tư...
Chuyên gia an ninh mạng thuộc dự án Chongluadao.vn tư vấn, người thân trong gia đình cần thường xuyên cảnh báo và hướng dẫn người lớn tuổi, nói rõ về các chiêu trò thường gặp, như "con bị tai nạn cần chuyển tiền gấp", "công an gọi video yêu cầu cung cấp tài khoản", hay "tin nhắn trúng thưởng". Đối với trường hợp làm quen để dẫn dụ tình cảm sau đó lừa đảo đầu tư tài chính, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự thiếu cập nhật thông tin và tâm lý cô đơn, thiếu tình cảm khiến cho họ rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo lúc nào không biết. Để giúp người lớn tuổi phòng tránh bẫy lừa online, cần hỗ trợ họ cài đặt phần mềm chặn spam, lọc cuộc gọi, và giúp kiểm tra tài khoản định kỳ…
Trước tình hình lừa đảo ngày càng tinh vi, Công an TP.HCM cũng khuyến cáo, các gia đình có người cao tuổi cần đặc biệt lưu ý tăng cường giao tiếp, dành thời gian gần gũi, trò chuyện và tuyên truyền, cảnh báo người cao tuổi về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên mạng. Khi người cao tuổi nhận được các cuộc gọi hoặc tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo, cần thông báo ngay cho con cháu, các thành viên trong gia đình để được hỗ trợ và giải quyết.