Vật cản nguy hiểm trong dạ dày người bệnh
Bệnh nhân T.T.X (65 tuổi, trú tại Đông Anh, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau bụng, đầy trướng, chán ăn kéo dài nhiều ngày. Tại Trung tâm Nội soi Tiêu hóa và Thăm dò chức năng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), kết quả nội soi cho thấy một khối bã thức ăn có kích thước khoảng 4x4 cm nằm trong dạ dày.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân có răng yếu và thường xuyên ăn các loại trái cây khó tiêu, nhiều nhựa – những yếu tố nguy cơ điển hình hình thành khối bã thức ăn (bezoar). Ê-kíp chuyên môn đã nhanh chóng can thiệp nội soi để lấy toàn bộ khối bã ra ngoài, ngăn chặn kịp thời các biến chứng nghiêm trọng.
![]() |
Các bác sỹ đang tiến hành nội soi lấy bã thức ăn cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ |
Bác sĩ, TS. Trần Thanh Hà, quyền Giám đốc Trung tâm Nội soi Tiêu hóa và Thăm dò chức năng cho biết, bã thức ăn trong dạ dày là những khối chất rắn hoặc bán rắn hình thành từ thực phẩm khó tiêu hoặc dị vật bị ứ đọng. Những thực phẩm có thể gây ra tình trạng này bao gồm măng, gân bò, rau sống, trái cây còn xanh như hồng, hoặc đồ ăn chứa nhiều nhựa.
“Bã thức ăn hình thành âm thầm, các triệu chứng thường không điển hình nên dễ bị người bệnh bỏ qua. Nhưng khi đã lớn dần, nó có thể gây tổn thương niêm mạc, viêm loét, xuất huyết, thậm chí thủng dạ dày nếu không được xử lí sớm”, bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Ai dễ bị bã thức ăn trong dạ dày?
Theo bác sĩ, những người có nguy cơ cao bao gồm: người cao tuổi có răng yếu, khả năng nhai kém; bệnh nhân tiểu đường bị rối loạn vận động dạ dày; người từng phẫu thuật dạ dày; người thường xuyên ăn thực phẩm khó tiêu, trái cây xanh; trẻ nhỏ hoặc người có hành vi bất thường như ăn tóc, ăn đất…
Các triệu chứng cảnh báo như đầy bụng sau ăn, buồn nôn, khó tiêu, đau âm ỉ vùng thượng vị, chán ăn và sút cân... thường bị nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa thông thường. Tuy nhiên, nếu xuất hiện nôn nhiều, đau dữ dội hoặc có dấu hiệu xuất huyết, người bệnh cần được can thiệp y tế ngay lập tức.
Để phòng ngừa, bác sĩ Hà khuyến cáo người dân cần ăn chín, nhai kĩ, uống đủ nước. Tránh thực phẩm có xơ cứng hoặc chứa nhựa (như hồng xanh, mít sống…); vận động nhẹ nhàng sau ăn. Theo dõi và kiểm soát bệnh lý tiêu hóa mạn tính; với trẻ em, cần chú ý hành vi ăn uống bất thường và can thiệp sớm.
“Điều quan trọng nhất là không chủ quan với các biểu hiện rối loạn tiêu hóa kéo dài. Khi có triệu chứng bất thường, cần đi khám để được nội soi, chẩn đoán và điều trị đúng lúc. Can thiệp sớm có thể cứu người bệnh khỏi những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong”, bác sĩ Trần Thanh Hà khuyến nghị.